Nhức nhối hàng lậu, giả
Theo báo cáo của BCĐ 127 T.Ư, trên các tuyến biên giới tình trạng buôn lậu thông qua việc tạm nhập - tái xuất đang ngày càng gia tăng.
Không còn tập trung vào một số ngành hàng, tình trạng xuất lậu đã mở rộng ra các mặt hàng khoáng sản, nông sản, động vật hoang dã, kim loại quý… Để vận chuyển hàng lậu, các đối tượng thường xé lẻ hàng hóa, mang vác qua các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu biên giới, sau đó hợp thức bằng cách quay vòng hồ sơ xuất, nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi lộ trình, hải trình... Trên tuyến hàng không, dân buôn lậu lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng...
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết: Năm 2012, lực lượng hải quan đã phát hiện nhiều vụ vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, cửa khẩu, chủng loại hàng hóa ghi trong giấy phép… với trị giá lên tới 207,9 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành hải quan đã phát hiện các đường dây lợi dụng loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất để buôn lậu hàng hóa có số lượng, giá trị lớn như vụ bắt giữ 4 tàu biển chở 1.650 tấn xăng trị giá 27 tỷ đồng; Vụ buôn lậu 296 tấn xăng tạm nhập - tái xuất của Công ty Xăng dầu Hàng không, trị giá 8 tỷ đồng.
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ rượu nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam
Song song với hoạt động buôn lậu, tình trạng sản xuất tiêu thụ hàng giả ngày càng gia tăng. Năm 2012, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đã lên đến trên 11.000 vụ (tăng gần 50% so với năm trước). Thực tế chống hàng giả tại Hà Nội cho thấy, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm… đều có thể bị làm giả với giá thấp hơn nhiều lần so với hàng chính hãng.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: Hàng giả hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài nên càng khó phát hiện; Hàng giả thường được bày bán lẫn với hàng thật, có xuất xứ rõ ràng. Thủ đoạn này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Khắc phục sơ hở, thiếu sót trong chính sách
Các lực lượng chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả là ý kiến của các đại biểu tại buổi giao ban phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức hôm 30/3. Đại diện Cục Cảnh sát biển Việt Nam bày tỏ: Nên tăng mức tiền xử phạt lên bằng với giá trị hàng hóa mà đối tượng buôn lậu; Tịch thu tang vật và phương tiện buôn lậu… Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho rằng, lực lượng QLTT cần đẩy mạnh kiểm tra các thị trường tiêu thụ, phát hiện luồng hàng tại các TP, thị xã và vùng ven đô… Nhằm hỗ trợ cho các địa phương trong công tác này, Cục QLTT sẽ thành lập đội đặc nhiệm chống buôn lậu, hàng giả trực thuộc Bộ Công Thương; Tăng cường hợp tác với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu, hàng giả… các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, Bộ Công Thương cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trên các tuyến giao thông, có chỉ huy chung toàn tuyến; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, công khai thông tin về các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trong thời gian tới, để công tác chống buôn lậu, hàng giả hoạt động có hiệu quả, BCĐ 127 T.Ư kiến nghị các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013); Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để hạn chế việc hợp thức hóa hàng nhập lậu; Bộ Công an tăng cường phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, pháp luật đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, không để tội phạm kinh tế lợi dụng cho hoạt động buôn lậu.
Tại buổi giao ban của Ban chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127), Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khẳng định: Thương hiệu vàng miếng quốc gia giúp SJC hưởng lợi trong khi những thương hiệu khác bị phương hại. Nguyên nhân là do từ năm 2012 đến nay, đã xuất hiện độ chênh lệch khá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng nước ngoài. Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các DN kinh doanh bán cho dân. Hiện tại, so với các thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng AAA của Tổng Công ty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2 triệu đồng/lượng. Một số thương hiệu vàng như ACB (của Ngân hàng ACB), Thần Tài (của Sacombank)... mức chênh thấp cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng. |