Ngăn chặn cuộc gọi rác: “Cuộc chiến” dài lâu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng cuộc gọi rác đang liên tục bủa vây người dùng, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã liên tục đưa ra hàng loạt biện pháp ứng phó. Nhưng cũng giống như với vấn nạn sim rác, cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ không sớm kết thúc.

Người tiêu dùng mua sim, thẻ điện thoại trên đường Kim Mã. Ảnh: Trần Anh
Phiền toái những cuộc gọi lúc nửa đêm
Cuộc gọi rác lâu nay luôn làm người sử dụng dịch vụ viễn thông khó chịu, cảm thấy bị quấy nhiễu bởi các thông tin mà mình không hề quan tâm. Thậm chí thời điểm bị làm phiền cũng rất oái oăm. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà N.K chủ một DN tại Tây Hồ, Hà Nội cho biết, thường nhận vài cuộc gọi rác mỗi ngày vào lúc bà đang làm việc hay nghỉ ngơi cùng gia đình. “Có khi nửa đêm, tôi vẫn nhận được những cuộc gọi, chào mời tham gia bảo hiểm, du lịch… ”- bà K than thở.
Một tình huống khác, ông L.Đ.T. sống tại quận Ba Đình, Hà Nội là cán bộ nghỉ hưu chia sẻ, ông liên tục nhận được lời chào mời đi hội thảo, phát biểu ý kiến và thậm chí được mời tặng quà. Ông T. bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu tại sao họ có số của mình và thậm chí biết rõ tên tuổi, đơn vị công tác cũng như địa chỉ nhà cặn kẽ như vậy. Những cuộc gọi rác khiến tôi vô cùng bực bội nhưng không biết làm thế nào để ngăn chặn lời mời chào bất thình lình như vậy”.
Chia sẻ về những rắc rối gặp phải, chị N.T sống tại Hà Đông, Hà Nội, là trưởng phòng truyền thông của một công ty lớn cho biết, chị thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ số máy lạ với lời mời chào sử dụng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan căn hộ mẫu... “Trên thực tế, khi tôi có nhu cầu về việc sử dụng dịch vụ, có rất nhiều cách để tìm kiếm thông tin, thay vì bị động nghe một cuộc gọi vô thưởng vô phạt, gây phiền hà như vậy” - chị N.T bức xúc.
Xử lý nhà mạng nếu để cuộc gọi rác hoành hành
Theo chế tài mới từ ngày 1/7, các cuộc gọi được xác định là cuộc gọi rác có thể bị xử lí cắt chiều gọi đi đôi với cuộc gọi nội mạng và cắt cuộc gọi đến đối với cuộc gọi liên mạng. Thêm vào đó, nhà mạng phải thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nếu không cũng có thể bị xem xét xử lí theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để phân biệt cuộc gọi rác và cuộc gọi thông thường, Cục Viễn thông cùng các DN đã thống nhất đưa ra 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng đưa ra 4 bước để nhà mạng ngăn chặn các cuộc gọi này. Theo đó, nhà mạng sẽ thu nhập ý kiến phản hồi của khách hàng đã nhận cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác với những cuộc gọi thuộc diện nghi ngờ.
Các thuê bao phát tán cuộc gọi rác sẽ bị chặn chiều gọi đi nếu số lượng phản hồi càng nhiều từ khách hàng. Cục Viễn thông cũng giao nhà mạng phải có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn các hành vi quấy rối này. Trường hợp DN viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các DN viễn thông để đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng DN để người sử dụng có thêm thông tin hữu ích giúp lựa chọn nhà mạng có chất lượng cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng. Có thể thấy, mặc dù phía cơ quan quản lý cũng như nhà mạng đã liên tục có các biện pháp nhằm ứng phó với vấn nạn cuộc gọi rác nhưng nếu nhìn vào hành trình nhiều năm tuyên chiến với sim rác, nhiều khả năng "cuộc chiến" này sẽ không thể kết thúc trong một sớm, một chiều.
Người dùng có thể khởi kiện 
Nói về chế tài cho những trường hợp làm lộ thông tin cá nhân, số điện thoại của người dùng, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện tại mới chỉ có Luật An toàn thông tin mạng quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân nhưng theo hướng cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, hành vi không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng bị phạt 10 - 20 triệu đồng; phạt tiền 30 - 50 triệu đồng với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 quy định thì hành vi trao đổi mua bán thông tin cá nhân, tổ chức... khi chưa có sự đồng ý của người sử dụng sẽ vi phạm vào điểm b khoản 1 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Để bảo vệ quyền lợi cũng như bảo mật thông tin, người dùng có thể phản ánh đến đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông khi gặp tình trạng cuộc gọi rác.
Cụ thể, đối với các trường hợp khách hàng nhận cuộc gọi và nhận được những thông tin quảng cáo không đúng sự thật, gây thiệt hại về tài chính cũng như ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, người dùng có thể viết đơn khởi kiện đối với bên cung cấp dịch vụ, đồng thời, đơn vị viễn thông cấp phép cho những thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hoạt động cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới. Với các trường hợp đặc biệt, Cơ quan an ninh điều tra sẽ tiến hành điều tra về việc nhà mạng viễn thông đã để lộ thông tin người sử dụng.
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã có Công văn số 2568/CVT-TNTK ngày 29/6 về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác gửi các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, nhằm ngăn chặn triệt để hơn tình trạng cuộc gọi quấy rối (cuộc gọi rác) gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Những cuộc gọi rác thực tế không chỉ là cuộc gọi telesales (bán hàng qua điện thoại) mà đúng hơn mang tính chất “dội bom” người dùng, vừa không hiệu quả vừa gây khó chịu, bực bội đối với người nhận cuộc gọi và tạo ra bức xúc trong xã hội.

Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội - Luật sư Nguyễn Hồng Thái

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần