Kinhtedothi - “Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, ngành thuế cần phải giảm thủ tục hành chính (TTHC) thuế” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ và tổng kết công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2014 do Tổng cục Thuế tổ chức sáng 6/4.
Hướng tới 90% DN nộp thuế điện tử
Sau một năm triển khai các giải pháp cải cách TTHC, ngành thuế đã giảm được 370 giờ kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, để thời gian nộp thuế giảm còn 171 giờ (bao gồm cả thuế và bảo hiểm xã hội), ngành thuế sẽ phải tiếp tục cắt giảm thêm 45,5 giờ, bằng với thời gian trung bình của các nước ASEAN-6 theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015. “Công tác quản lý thuế vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. TTHC thuế hiện hành vẫn còn lớn (432 thủ tục); quy trình nghiệp vụ thuế còn rườm rà, phức tạp; số lượng DN tham gia nộp thuế điện tử còn ít; việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh chưa được đổi mới căn bản; công tác giải quyết khiếu nại trong thanh tra, kiểm tra thuế vẫn còn chậm…” - ông Dũng đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu tất cả các thủ tục đã cắt giảm không được “đẻ” thêm thủ tục mới, đồng thời đến ngày 30/9, ngành thuế phải giảm tiếp 10% số TTHC, tương đương 43 thủ tục và đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục cần thiết. Đồng thời, ngành thuế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ 4 (có nghĩa là cơ quan thuế phải tiếp nhận hồ sơ, chứng từ điện tử và phải trả chứng từ qua mạng internet). Theo Bộ trưởng, chỉ có giải pháp là kê khai và nộp thuế điện tử thì người nộp thuế mới không phải mất thời gian đi lại và chờ đợi. Do đó, ngành thuế dứt khoát phải triển khai thí điểm ngay việc kê khai và nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ nhà đất, ô tô; thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản… tại một số địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 488.000 DN đang hoạt động, trong đó có trên 90% đã đăng ký kê khai thuế điện tử, tuy nhiên chỉ có khoảng 41.800 DN thực hiện nộp thuế điện tử (chiếm 8,5%). Mục tiêu đặt ra là trong thời gian tới có 90% số DN nộp thuế điện tử.
Tạo thông thoáng, chống trục lợi
Hoàn thuế GTGT luôn là câu chuyện thời sự khi DN cho rằng thủ tục hoàn thuế còn phiền hà, phức tạp, trong khi ngành thuế luôn phải đối diện với tình trạng chiếm đoạt ngân sách Nhà nước qua việc hoàn thuế.
Dẫn ví dụ cụ thể từ vụ bắt một số cán bộ thuế tại An Giang do có hành vi tiếp tay cho DN chiếm đoạt tiền từ ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Bắt một số cán bộ thuế, chúng ta đau đớn lắm. Nhưng đó là bài học cho toàn ngành”, và khẳng định dù đau xót nhưng để đột phá trong cải cách thủ tục về thuế vẫn phải xử lý nghiêm sai phạm đối với DN, người nộp thuế và đặc biệt là cán bộ thuế vi phạm. Bình quân mỗi năm, cơ quan thuế nhận khoảng 22.000 bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT. Mục tiêu đặt ra là làm sao phải hoàn thuế GTGT đúng chế độ, chính sách và đúng thời gian quy định là không quá 6 ngày kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hậu kiểm và không quá 40 ngày đối với trường hợp tiền kiểm. Bộ trưởng chỉ đạo, “muốn làm được cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu và công khai cơ sở dữ liệu này, cơ quan thuế có thể để biết chính xác hôm nay nhận được bao nhiêu hồ sơ hoàn thuế, giải quyết được bao nhiêu hồ sơ đúng hạn, bao nhiêu quá hạn mà chưa giải quyết”. Việc này, vừa để tạo điều kiện hoàn thuế thuận lợi nhất, nhanh nhất cho nhà đầu tư, DN xuất khẩu, nhưng vẫn ngăn chặn được gian lận thương mại, lợi dụng chính sách thông thoáng, khuyến khích để trục lợi trong hoàn thuế GTGT.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|