Ngân hàng bắt đầu nới cho vay tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khách hàng muốn vay tiền chi tiêu bắt đầu dễ tiếp cận vốn hơn khi một số ngân hàng đang phát đi thông báo hạ lãi suất và bớt khắt khe hơn trong việc thẩm định hồ sơ.

Tại phòng giao dịch một ngân hàng thương mại lớn trên phố Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội), nhân viên tín dụng cho hay, trong một vài ngày tới, xu hướng giảm lãi suất sẽ còn nhìn thấy rõ nét hơn nữa. Chị này thừa nhận hiện tại với các khoản vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe, việc xét duyệt và nhận hồ sơ không còn quá khó khăn như trước. Khoảng ba tháng trước, chỉ cần nhìn hồ sơ không có dấu hiệu tin cậy, cán bộ tín dụng nơi đây sẽ tự động loại bỏ mà không cần trình lên cấp cao hơn. Nhưng bây giờ, nhân viên đều lắng nghe chia sẻ của khách hàng, để tìm ra những cách tốt nhất có thể giải ngân được nguồn vốn.
 
Còn chị Quỳnh, tín dụng viên phòng giao dịch một ngân hàng khác trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) tiết lộ, trong những ngày sắp tới, có khả năng lãi vay tiêu dùng sẽ giảm về dưới mức 23% như hiện nay. Chị tiết lộ, phía lãnh đạo cũng đã có chỉ thị về việc nới cho vay tiêu dùng hơn song song với lộ trình giảm lãi suất đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… Mức giảm chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng có thể sẽ thấp đi trên dưới 1% so với trước.

Tại một số tỉnh thành khác ngoài Hà Nội, tín hiệu giảm lãi suất cũng đã được phát đi. Nhân viên Techcombank một ngân hàng thương mại cổ phần trên đại lộ Hùng Vương (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho hay, ban lãnh đạo đang có hướng giảm lãi tiêu dùng khoảng trên dưới 1% một năm trong một vài ngày tới.
 
Trước đó, hồi tháng 4, 5, lãi suất tiêu dùng tại một số nhà băng ở Hà Nội bắt đầu có xu hướng tăng mạnh và chỉ tập trung cho vay kỳ hạn ngắn. Người có nhu cầu đi vay gần như “méo mặt” với mức lãi suất cao chót vót, có khi lên tới 25% một năm cho các khoản phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng). Thủ tục vay vốn cũng khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị còn thẳng thừng từ chối khách với lý do nguồn huy động không đủ đáp ứng.
 
Nhưng hiện tại, có không ít ngân hàng đang khá “thoáng” đối với các khoản vay trung và dài hạn cho mục đích tiêu dùng. Tại chi nhánh ACB ở quận Đống Đa (Hà Nội), khoản vay mua nhà, đất có thể được tối đa 10 năm. Còn theo nhân viên một phòng giao dịch của Techcombank tại quận Cầu Giấy, kỳ hạn vay đối với mua ô tô có thể đạt 48 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chi trả của khách hàng. Nếu như trước đây, các nhà băng đều có xu hướng "dồn" để khách trả gốc và lãi ngắn hạn.
 
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV chia sẻ, room tín dụng trong 4 tháng cuối năm của đơn vị này còn khoảng 10%, do đó, có thể cân nhắc cho các khoản vay. Ưu tiên hàng đầu vẫn là các khoản tín dụng sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn với lãi khoảng 15-17% một năm. Riêng tiêu dùng và phi sản xuất, lãi suất vẫn thỏa thuận, nhưng cũng có khả năng giảm xuống trong thời gian tới.
 
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, việc một số nhà băng ưu tiên cho vay tiêu dùng đối với trung hạn và dài hạn chính là sự phản ánh điểm rơi của thị trường trong bối cảnh hiện nay. Ông cho rằng, các ngân hàng cũng đã dự đoán được xu hướng lên xuống của lãi suất, nên mới có những chiến lược nhất định.
 
"Có thể họ nhìn thấy dấu hiệu giảm của lãi suất trong thời gian tới, nên để níu kéo được các khoản vay lãi cao, họ dành nguồn cho vay ngay nên mới ưu tiên các khoản vay trung và dài hạn. Ngược lại, khi đẩy mạnh cho vay kỳ hạn ngắn, lãi suất cao lên, có nghĩa là xu hướng tăng của lãi suất sẽ còn tiếp tục nên họ sẽ hạn chế bớt các hợp đồng dài hạn", ông Hưởng nói. Theo lãnh đạo này, đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ còn tiếp tục giảm. Bưu Điện Liên Việt cũng đang lên kế hoạch sẽ điều chỉnh lãi suất vay tiêu dùng theo hướng thấp dần về khoảng 20% một năm. Hiện nay, room tín dụng của đơn vị này đã đến 16%, dư địa từ nay đến cuối năm còn khoảng 1.000 tỷ đồng.
 
Thực tế, có thể coi việc đưa lãi suất cho vay tiêu dùng về mức thấp hơn so với trước chính là một cách “tự cứu mình” của nhiều ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất cho vay dần đưa về 17-19% như đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
 
Một mặt nào đó, đây là cách để một số ngân hàng kiếm lợi nhuận, bù trừ các khoản cho vay chỉ đạt 17-19% (mà trước đây có thể lên tới trên 20% một năm). Tuy nhiên, tỷ lệ bù trừ, theo phân tích của lãnh đạo một ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 16-17%, là không đáng kể. Những đơn vị có khả năng mở room cho vay phi sản xuất lại vướng trần tăng trưởng tín dụng cả năm không quá 20%. Ngược lại, những nơi còn nhiều “đất” dành cho tín dụng tiêu dùng lại không có khả năng về nguồn vốn để tiếp tục cho vay.
 
Ở thời điểm này, một trong những nhân tố cơ bản khiến “cửa” vay tiêu dùng có thể rộng hơn, chính là cung cầu thị trường. Cầu đã yếu lại so với đầu năm khi người đi vay không còn phải chạy đôn chạy đáo để vay bằng được, vì họ “kiềng” mức lãi suất như hiện nay. Ngược lại, nguồn vốn tại không ít nhà băng hiện nay đang ứ đọng, nếu không giải phóng ra, bản thân họ cũng phải chịu lỗ nên nếu thấy cho vay vẫn có lãi (dù lãi suất không cao), ngân hàng vẫn đẩy ra để giữ chân khách hàng.
 
Ngoài ra, sự giảm nhẹ của mặt bằng lãi suất sản xuất kinh doanh cũng là cơ sở để lãi vay tiêu dùng đi xuống. Theo một số chuyên gia, chênh lệch giữa lãi suất của tiêu dùng đối với các loại hình sản xuất khác khoảng 1-2% là hợp lý. Từ tháng 9, đã có thể nhìn thấy dấu hiệu giảm lãi vay tiêu dùng tại một số ngân hàng, song phải đến tháng 10 hay 11, xu hướng này mới thể hiện rõ nét và mạnh mẽ nhất.
 
 
Trong thời gian tới, có khả năng các khoản cho vay bất động sản cũng sẽ được xem xét. Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trong cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương hôm 7/9, nhà băng này đã đề xuất cần có giải pháp cho câu chuyện vốn cho bất động sản. Nếu cứ để tình trạng này, nhiều khả năng thị trường sẽ sụp đổ kéo theo sự liên quan của thị trường vật liệu xây dựng, lao động… “Chúng tôi kiến nghị Thống đốc nên xem xét không đưa các khoản cho vay tái định cư, cho vay khu công nghiệp, nhà thu nhập thấp, nhà công nhân trong khu công nghiệp không xét vào diện phải quản lý, thắt chặt”, Chủ tịch BIDV cho biết.