Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2011 có thể là một “mùa vàng” kiều hối chuyển về Việt Nam, với doanh số ước đạt 9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là một trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Ngân hàng bội thu kiều hối Theo các ngân hàng thương mại, những năm trước, phổ biến tình trạng kiều hối chuyển qua các kênh không chính thức gây rủi ro cho người chuyển và khó thống kê được lượng kiều hối thực sự. Nhưng năm nay, lượng kiều hối chuyển về kênh chính thức qua ngân hàng đã tăng lên rõ rệt. Doanh số chuyển tiền kiều hối tại Công ty Kiều hối Sacomrex năm 2011 ước đạt 1,65 tỷ USD; tại DongA Bank, ước tính đến tháng 12 thu hút khoảng 1,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái; VietinBank dự kiến cả năm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước; Eximbank cũng cho biết lượng kiều hối qua ngân hàng này đạt trên 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết lượng kiều hối chuyển về kênh chính thức tăng do các ngân hàng, công ty kiều hối đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới và chất lượng phục vụ cũng được cải thiện, nhanh chóng, an toàn, cạnh tranh về phí. Hiện nay, dịch vụ chuyển tiền khá đơn giản, thuận tiện, người thân tại Việt Nam có thể nhận tiền chỉ sau 5 phút người gửi ở nước ngoài thực hiện dịch vụ. Khách hàng cũng có thể nhận tiền tại ngân hàng hoặc tại nhà; tiền có thể được chuyển vào tài khoản ATM hay thực hiện các giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử. Bởi thế, dịch vụ kiều hối đang trở thành một kênh đem lại hiệu quả cao. Ông Ngô Xuân Hải, Trưởng phòng Dịch vụ Kiều hối VietinBank cho biết, với thế mạnh là ngân hàng lớn có mạng lưới trên 160 chi nhánh, trên 1.000 phòng giao dịch và quan hệ với trên 900 ngân hàng đại lý khắp toàn cầu, VietinBank rất chú trọng phát triển dịch vụ Kiều hối và trở thành ngân hàng hàng đầu cung cấp dịch vụ kiều hối. Để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng, VietinBank đã phối hợp với các đối tác nghiên cứu nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như chuyển tiền kiều hối Online qua Internet và qua điện thoại di động, trong năm 2011, VietinBank đã phối hợp với Western Union triển khai thành công sản phẩm nhận tiền kiều hối vào tài khoản qua Internet, sản phẩm này cho phép khách hàng có tài khoản tại VietinBank có thể ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào (24h/ ngày, 7 ngày/tuần) cũng có thể nhận được tiền kiều hối qua kênh Western Union vào tài khoản tại VietinBank... Một thực tế nữa cũng khiến lượng kiều hối tăng là do lãi suất huy động VND vẫn còn cao, đã thu hút lượng kiều hối về bán cho ngân hàng rồi gửi tiết kiệm VND. Chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng không đáng kể nên các ngân hàng đã thu mua được USD nhiều hơn trước. Cần có chính sách thu hút lâu dài Bà Drina Yue - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận xét: với khoảng 4 triệu người Việt, trong đó có khoảng 400 ngàn lao động đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam là 1 trong 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất. Thực tế, lượng tiền gửi về Việt Nam đã tăng dần qua các năm và ngày càng trở thành nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế. Mười năm trở lại đây, nguồn kiều hối gửi về từ mức 1,34 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên 8,26 tỷ vào năm 2010 và năm 2011 dự kiến đạt 9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, kiều hối được xem là cung ngoại tệ ổn định để bù đắp thiếu hụt cán cân thanh toán vãng lai, nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có chính sách căn cơ để khơi thông dòng vốn này. Theo các công ty kiều hối, chính sách thắt chặt tín dụng với bất động sản, chứng khoán và khống chế trần lãi suất USD đã khiến các món tiền gửi lớn với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất trợ cấp sinh hoạt. Còn theo một lãnh đạo của Eximbank, dù doanh số kiều hối có tăng nhưng giá trị tiền gửi về mỗi lần giảm so với những năm trước, phổ biến chỉ 300-500USD/lần gửi. Một vấn đề đặt ra cho các ngân hàng thương mại hiện nay là dù lượng kiều hối đổ về tăng mạnh theo từng năm, nhưng lượng ngoại tệ này bán cho ngân hàng vẫn khá khiêm tốn, chỉ 10-20%. Với quy định quản lý thị trường ngoại tệ vừa được triển khai (phạt tiền 300-500 triệu đồng đối với trường hợp mua bán ngoại tệ trái phép; tịch thu tang vật ngoại tệ, tiền đồng...), các ngân hàng thương mại kỳ vọng lượng ngoại tệ từ kiều hối bán lại cho ngân hàng sẽ tăng hơn. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con số 9 tỷ USD trong bối cảnh này rõ ràng đã chứng minh ở một góc độ nào đó sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.