Ngân hàng, chứng khoán góp phần quan trọng vào số thu ngân sách 6 tháng đầu năm

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020. Trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể:

Thực hiện tốt thu ngân sách 6 tháng đầu năm
Chiều 9/7/2021, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
 Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Trong đó, khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập DN (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng; thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng; thu ngân sách từ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Đáng chú ý, đa số các địa phương đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Có 48 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 55%; có 12 địa phương thực hiện đạt từ trên 50% đến dưới 55% dự toán. Chỉ có 3 địa phương có tiến độ thu đạt dưới 50% là: Bắc Cạn; Sơn La; Hòa Bình.

Tính đến tháng 6 năm 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được 32.209 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2020. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 323.206 hồ sơ khai thuế, bằng 114,93% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng. Một số cuộc thanh tra có số thu lớn như: Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, truy thu 112,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, truy thu 138 tỷ đồng; hoặc điều chỉnh giảm lỗ như: Công ty TNHH Hòa Bình, truy thu 5,14 tỷ đồng, giảm lỗ 240 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 3, giảm lỗ 168 tỷ đồng...

Đánh giá tình hình thu ngân sách năm 2021 tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính nêu tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội, Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2021, các Quyết định của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi NSNN năm 2021 và Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế thường xuyên chỉ đạo về công tác thực hiện thu ngân sách. Từ đó, nắm sát tiến độ thực hiện dự toán thu ngân sách cả nước và từng địa phương, có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, trong các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, vừa hỗ trợ người nộp thuế theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, vừa tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NNT, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021.
 Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2020 về thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021; đồng thời chỉ đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho NNT tiếp cận và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đại diện Tổng cục thuế cho biết, đến 23/6/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn là 52.384 đơn, trong đó: DN, tổ chức 47.514 đơn; cá nhân 3.547 đơn. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 33.032 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT tháng 3, tháng 4, tháng 5, Quý 1/2021 của DN, tổ chức là 18.945 tỷ đồng (tháng 3 là 5.978 tỷ đồng, tháng 4 là 5.741 tỷ đồng, tháng 5 là 4.971 tỷ đồng, quý 1 là 2.253 tỷ đồng).

Số thuế TNDN tạm nộp Quý 1/2021 của DN, tổ chức được gia hạn ước tính khoảng 11.607 tỷ đồng. Thuế GTGT, TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn 41 tỷ đồng. Tiền thuê đất là 2.437 tỷ đồng. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn đã nộp ngân sách là 9.834 tỷ đồng. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn còn phải nộp ngân sách là 23.197 tỷ đồng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đánh giá, mặc dù kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay đã trực tiếp ảnh hướng đến một số khu công nghiệp, địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và DN, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021. Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Các cục thuế cần chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, chống thất thu thuế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần