Kinhtedothi - "Thực hiện giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN không chỉ có lợi cho nền kinh tế, cho DN mà còn có lợi cho chính các ngân hàng thương mại". Đó là chia sẻ của ĐB Quốc hội Phạm Huy Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank với báo Kinh tế & Đô thị.
Lãi suất hạ có phải là do nguồn vốn của NH đang dư thừa, hay vì lý do đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, thưa ông?
- Việc giảm lãi suất huy động lần này không tác động đến lượng tiền gửi tại NH, bởi từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi trong dân cư vẫn có xu hướng tăng dù lãi suất huy động liên tục giảm. Còn về mục tiêu tăng trưởng, theo báo cáo mới nhất của NHNN, tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng đạt 7,85% so với cuối năm 2013. Hạ lãi suất cũng có thể là một phần của biện pháp kích thích để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 12 - 14% cũng như thúc đẩy cầu nội địa. Nó không chỉ có lợi cho nền kinh tế, có lợi cho các DN và chính các NH cũng có lợi. Nếu các NHTM cứ để lãi suất quá cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó, các DN sử dụng vốn vay với chi phí cao sẽ gặp khó khăn, từ đó khó trả nợ NH và dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên, tác động trở lại vấn đề an toàn của các NHTM.
Có ý kiến cho rằng, nên "phá băng" tín dụng hơn là ưu tiên giảm lãi suất, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Nên nhớ, yêu cầu của NHNN là lãi suất huy động giảm 6%/năm xuống 5,5%/năm là kỳ hạn ngắn hạn (đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và giảm cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với từ 8%/năm xuống 7%/năm chỉ ở một số ngành kinh tế ưu tiên). Theo tôi được biết, một số NH lớn áp mức huy động ngắn hạn chỉ còn 4 - 5%/năm. Đồng thời giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm đối với các kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, mới chỉ dám mạnh dạn điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn, với các khoản vay trung và dài hạn vẫn còn xem xét.
Thực tế, việc cho vay dài hạn và ổn định lãi suất cho vay dài hạn là điều không dễ đối với các NH, do thanh khoản của nhiều NH lớn đang ổn định nhưng toàn hệ thống NH thì chưa thật sự ổn định. Do đó hiện nay, vẫn còn nhiều NH đang cho vay dài hạn ở mức 9 - 10%/năm, có ngân hàng cho vay 10 - 11%/năm. DN làm gì để có lãi mà vay với lãi suất 9 - 10%/năm, khó lắm!
Theo ông, làm thế nào để khơi thông tín dụng?
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện chỉ ở mức 2,36%, đến cuối năm mới đến 4%, mức lạm phát này quá thấp. Như vậy, dư địa giảm lãi suất hiện nay vẫn còn. Với tình hình hiện nay, không quá lo ngại từ phía nới lỏng với tốc độ, mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhiều DN cho biết, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5 - 4%. Nếu giảm được xuống còn 1,5 - 2,5% sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN. Trong điều kiện hiện nay, lãi suất cho vay chỉ nên 6 - 7%/năm mới có thể hỗ trợ được DN.
Ngoài lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, cái mà DN quan tâm hơn đó là các điều kiện để tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Vấn đề khó nhất là phải làm thế nào để xử lý khai thông tín dụng. Đó lại chính là khả năng tiêu thụ và vấn đề hàng tồn kho hiện nay đang rất cao. Chúng ta không xử lý được vấn đề tiêu thụ, không tăng được tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư thì tốc độ tăng tín dụng sẽ khó đạt, bất chấp việc hạ lãi suất cho vay, thậm chí hạ mạnh lãi suất cũng khó mà tăng được tín dụng và cũng không khai thông được nguồn vốn tín dụng.
Xin cảm ơn ông!