Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng dè dặt bán USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ chặt chẽ hơn trong bán USD, từ hai ngày nay, tại nhiều ngân hàng, tỷ giá thực đang tăng mạnh trở lại sau những ngày đi xuống. So với hôm đầu tuần, mỗi USD đã nhích thêm 200 - 250 đồng, lên 21.520 - 21.550 đồng chiều bán. Riêng giá niêm yết vẫn phổ biến kịch trần 21.011 đồng.

Một số nhà băng bắt đầu 'chùn tay' trong mua bán USD vượt trần sau những cảnh báo liên tục từ Ngân hàng Nhà nước. Có ngân hàng còn ngừng bán đôla cho cá nhân với lý do không đủ nguồn.

Nhân viên phòng ngoại tệ một ngân hàng thương mại cổ phần tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hồi đầu năm, khi thị trường đôla tự do bị siết, hầu hết các ngân hàng đều không bán USD cho khách hàng cá nhân mà chỉ ưu tiên doanh nghiệp vì thiếu nguồn cung.

Nhưng hai hôm nay, nhà băng này cũng ngừng bán USD cho khách doanh nghiệp cùng với lý do nguồn cung khan hiếm. Dù giá đôla bán ra niêm yết vẫn là 21.011 đồng, nhưng thực tế, trước đó vài ngày đã giao dịch ở 21.490 đồng. Chị này thông tin, chưa biết đến bao giờ chi nhánh mới bán đôla trở lại vì còn chờ thông báo từ hội sở chính.

Một số nhà băng khác tại Hà Nội không nhận bán USD cho khách với lý do nguồn cung chậm, nhưng lại gợi ý cách thức để người có nhu cầu có thể tiếp cận được nguồn đôla.

Chị Loan, kế toán viên một công ty da giày tại Hà Nội kể, dù đã chấp nhận mức 21.550 đồng ngân hàng đưa ra, chị vẫn không mua được USD. Tuy nhiên, chính nhân viên nhà băng gợi ý nên mua đôla trên thị trường tự do sau đó bán lại cho ngân hàng với mức giá niêm yết là 21.011 đồng. Sau đó, ngân hàng sẽ lại bán USD cho khách với giá 21.550 đồng. Như vậy, để hợp thức hóa 1 USD, người mua phải chịu "phí" hơn 500 đồng.

Sự cảnh giác cao độ với doanh nghiệp là khách lạ cũng diễn ra tại các ngân hàng ở TP HCM, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường kiểm tra việc mua bán USD vượt trần. Giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ và mỹ nghệ tại TP HCM kể, cần mua khoảng 20.000 USD để nhập nguyên liệu. Nhưng đến 3 nhà băng, chị đều được nhân viên thông báo là khan nguồn nên phải đợi.

Ngược lại, doanh nghiệp là khách hàng quen, mức giá bán USD vẫn "vô tư" vượt trần và bao nhiêu cũng có. Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ngành nhựa tại quận Tân Phú, TP HCM thông tin, sáng nay, anh hỏi mua USD tại một nhà băng quen, muốn bao nhiêu cũng có nhưng giá bán ra là 21.600 đồng (cao hơn trần 600 đồng).

Không chỉ chặt chẽ hơn trong bán USD, từ hai ngày nay, tại nhiều ngân hàng, tỷ giá thực đang tăng mạnh trở lại sau những ngày đi xuống. So với hôm đầu tuần, mỗi USD đã nhích thêm 200 - 250 đồng, lên 21.520 - 21.550 đồng chiều bán. Riêng giá niêm yết vẫn phổ biến kịch trần 21.011 đồng.

Ngược lại, trên thị trường tự do, tỷ giá tương đối ổn định. Trưa 3/11, các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội báo giá 21.410 - 21.450 đồng (mua vào- bán ra), bằng với hôm qua. Nhưng nếu so với những ngày đầu tuần, mỗi USD đã tăng khoảng 30 - 40 đồng chiều thu gom. Tại TP HCM, buổi chiều 3/11, các điểm thu đổi ngoại tệ cũng báo giá quanh 21.400-21.470 đồng, tương đương hôm 2/11.

Anh Chính, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Trung (Hà Nội) cho biết, những ngày này, giá mua vào cao lên vì phải gom để đáp ứng nhu cầu của khách. Chiều bán ra giữ nguyên vì số lượng khách cố định và thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra việc mua bán trên thị trường khiến cho giao dịch có phần kém "xôm" hơn trước.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cho rằng, từ khi Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra việc mua bán USD, đơn vị này không dám mua đôla của khách vượt trần. "Nguồn USD sụt giảm nhiều nên chúng tôi hiện nay không có đủ đôla để đáp ứng đủ nhu cầu của khách, phải tùy nguồn cung mà cân nhắc", ông này nói.

Còn chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định, doanh nghiệp phải mua USD ngân hàng với giá cao cũng chỉ là một phần nhỏ chứ không phải là số đông trong nền kinh tế. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ là tiền đề xuất hiện rủi ro đạo đức, làm mất phẩm chất của nhân viên ngân hàng. "Hậu quả thật khó lường khi các ngân hàng đang tự biến mình thành những khu 'chợ đen' bất cứ lúc nào có thể", ông Sơn nói.

Để hạn chế tình trạng này, theo ông Sơn, cơ bản nhất vẫn là gia tăng xuất khẩu để tăng nguồn thu ngoại tệ. Song, theo ông, nếu thực hiện, cần có thời gian vì liên quan đến năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ hàng hóa. "Có thể tính đến việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải luôn sẵn sàng cung ứng nguồn USD cho các nhà băng", ông nhận định.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng tại Hà Nội cho rằng: "Nếu không đủ lực, phải chấp nhận VND giảm giá và mặt bằng tỷ giá mới, vì đó là quy luật thị trường". Theo ông, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 12-13 tỷ USD, nếu cứ thấy thị trường căng thẳng lại tung ra cứu, về lâu về dài sẽ làm sụt giảm số "của để dành" này.