Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng liên kết gỡ khó khăn cho ngành xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc 10 ngân hàng ký kết gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) hy vọng sẽ vực dậy ngành xây dựng nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

Khơi thông hàng hóa

Chiều 25/3, tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh đã chính thức công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà: Ngân hàng, chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng - VLXD, khách hàng và gói 50.000 tỷ đồng.

Theo Tổng Giám đốc VNCB Phan Thành Mai: Có 10 ngân hàng tham gia chuỗi liên kết này, gồm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước: BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank (gọi là "Ngân hàng người mua") và 6 ngân hàng thương mại: ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, VPB, Oceanbank (gọi là "ngân hàng đồng tài  trợ"). VNCB là ngân hàng tổ chức.

Gói tín dụng sẽ giúp xây dựng sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp tối ưu hiệu quả cho tất cả các bên tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ... Tạo ra chuỗi khép kín, đảm bảo lợi ích các bên, đặc biệt là khách hàng vì được cung cấp sản phẩm chất lượng.
 
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Maritime Bank ở Hà Nội.  	Ảnh: Việt Dũng
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Maritime Bank ở Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng

Các hợp đồng sẽ được ký kết gồm nhà cung ứng vật liệu ký hợp đồng với nhà sản xuất, từ đó thông qua sàn giao dịch VLXD - Thiên Thanh Group (TTG), nhà sản xuất ký hợp đồng với nhà thầu, còn nhà thầu ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư. Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi - nhiên liệu vận hành sẽ được bơm vào chuỗi liên kết này thông qua ngân hàng tổ chức là VNCB.

Khi tham gia chuỗi liên kết này, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng đồng thời cũng là lợi ích cho các bên tham gia như chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà sản xuất sẽ tiếp cận được khoản tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu cũng sẽ được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ. Đối với nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ… Ngân hàng người mua phát hành bảo lãnh tín dụng, đồng thời giải ngân cho chủ đầu tư, còn VNCB phát hành bảo lãnh tín dụng cho nhà thầu và nhà sản xuất, nhóm ngân hàng đồng tài trợ bảo lãnh cho TTG.

Nhiều khả quan

Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hình thức liên kết không phải mới lạ song các ngân hàng triển khai còn độc lập, thiếu sự liên kết. Phải gắn kết “các nhà” lại dưới sự giám sát của ngân hàng, nhất là dòng vốn phải được quản lý, chi trả hợp lý. Như vậy, tồn kho xây dựng, bất động sản sẽ giảm, tháo gỡ khó khăn cho dự án dở dang, niềm tin của các bên được củng cố, nâng tính minh bạch, hạn chế tham nhũng, cung ứng tín dụng trùng lặp. Đặc biệt, theo ông Mạnh, ngoài 50.000 tỷ đồng giữa các ngân hàng liên kết từ báo cáo của VNCB, có thêm 7 ngân hàng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước là 70.000 tỷ đồng (khoản cho vay bình thường phục vụ bất động sản do nguồn vốn của tổ chức tín dụng cung cấp), khả năng gói tín dụng này có thể sẽ là 120.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: "Từ thực tế các gói tín dụng đổ vào dự án quốc lộ 1, quốc lộ 14, các nhà thầu rất e ngại vào làm. Nhưng, khi có sự vào cuộc của BIDV và VNCB, tiến độ thi công dự án đã được đẩy nhanh về đích. Mô hình này được mở rộng chính từ ví dụ đó để áp dụng cho xây dựng dân dụng, BĐS nên chắc chắn sẽ đem lại những khả quan. Trước mắt, các ngân hàng sẽ kiểm soát được dòng vốn, nợ xấu, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển".

 
Để tránh những bất cập còn tồn tại của gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng phải có những tiêu chuẩn chung, thống nhất, áp dụng đồng đều khi thực hiện. Cụ thể về điều kiện vay, đối tượng vay, chỉ tiêu tín dụng đáp ứng điều gì... Nhất là phải giảm thiểu các thủ tục hành chính, cũng như chọn lọc dự án để cho vay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu