Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, ngành Ngân hàng xác định: Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

 Ảnh minh họa

Ngày 07/01/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.Theo nội dung của Chỉ thị, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Chỉ thị nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2021, bao gồm: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các TCTD yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.

Tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính (CCHC) nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng thông thoáng, thuận lợi hơn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Tiếp tục triển khai việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của Ngành đã ban hành.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát trên, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính NHNN tham mưu cho Thống đốc, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng; Triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; Củng cố hoạt động hệ thống QTDND, xử lý QTDND yếu kém và tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô; Đẩy mạnh TTKDTM; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; Đẩy mạnh công tác CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách công vụ, tinh gọn bộ máy.

Chỉ thị cũng nêu rõ đối với các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Thống đốc yêu cầu: Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn; Triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; Tăng cường quản lý hoạt động QTDND trên địa bàn; Đẩy mạnh TTKDTM; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn…

Đối với các TCTD: Tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; Triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nâng cao năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán…

Thống đốc NHNN yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị tại trụ sở chính NHNN, Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần