Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tăng tỷ giá trung tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi họp báo về các nội dung liên quan tới...

Kinhtedothi - Chiều 4/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi họp báo về các nội dung liên quan tới cách thức điều hành tỉ giá mới.

Tại buổi họp báo này, phía NHNN có Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Bùi Quốc Dũng đã làm rõ thêm các vấn đề còn khúc mắc liên quan cơ chế tỷ giá mới.

Sáng nay, NHNN công bố tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng so với trước, NHNN có thể giải thích vì sao ở mức này?

Đại diện NHNN
: Tỷ giá trung tâm được xác định trên 3 thông số: Cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam và các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cách tính tỷ giá tăng, giảm được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Có nước, như Trung Quốc lấy tỷ giá đóng cửa ngày hôm trước làm giá tham chiếu ngày hôm sau, Singapore dựa trên nhóm các đồng tiền, dựa trên tham chiếu nhóm đồng tiền.

Phương pháp của NHNN dung hòa 2 yếu tố, vừa phản ánh cung cầu trong nước và phản ánh diễn biến của thị trường quốc tế. Nhanh nhạy với cung cầu và biến động thị trường quốc tế.

Phương thức tính, tỷ giá chốt vào giờ đóng cửa ngày hôm trước. Còn tỷ giá trên thị trường quốc tế lấy vào 7 giờ sáng và chốt vào giao dịch gần nhất của tất cả các đồng tiền lúc 7 giờ trên Reuter. Nhóm đồng tiền gồm USD, EU, Nhân dân tệ, Uôn Hàn Quốc, Yên Nhật, Đô la Singapore, Đô la Đài loan, Bạt Thái. Đây là 8 đồng tiền có tỷ trọng thương mại và đầu tư lớn nhất đối với Việt Nam.

Với cách tính như vậy, vừa thể hiện biến động trong nước và quốc tế. Có thể tới đây sẽ thấy có những hôm tỷ giá trong nước tăng cao, nhưng giá quốc tế có xu hướng giảm. Như vậy, tỷ giá trung tâm có thể vẫn giảm.

Xin hỏi NHNN khi công bố tỷ giá trung tâm, biên độ giao dịch của các NH thế nào?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Biên độ hiện là 3% thì tiếp tục thực hiện. Như vậy là trên cơ sở tỷ giá trung tâm các NH quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng 3%. Khi xây dựng cách thức xác định tỷ giá trung tâm, đưa ra các giải pháp đồng bộ, NHNN đã cân nhắc kỹ lưỡng về kỹ thuật, cách thức làm cho tỷ giá biến động không quá lớn.

DN phải sử dụng ngoại tệ trong XNK, theo NHNN, DN có lợi gì và có thể có rủi ro gì khi NHNN điều hành theo cách thức mới?

Ông Bùi Quốc Dũng: Cơ chế tỉ giá mới biến động linh hoạt hơn sẽ giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nếu như trước đây có những giai đoạn tỉ giá rất lặng nhưng khi điều chỉnh thì có thể sau 1 ngày, đúng vào thời điểm điều chỉnh đó doanh nghiệp có thể thua lỗ nhưng với cách điều hành mới thì tỉ lệ thay đổi sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Hơn nữa, với công cụ bán kỳ hạn của NHNN với tổ chức tín dụng thì sẽ giúp thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phát triển thị trường ngoại hối thông qua công cụ phái sinh nhiều hơn, ngăn chặn cầu ảo, giúp bảo hiểm tỉ giá tốt hơn cho doanh nghiệp. Thực tế doanh nghiệp phải trả phí để mua đô la kỳ hạn, nhưng phí đó sẽ thấp hơn là lãi suất mà doanh nghiệp lẽ ra được hưởng nhưng phải lấy để mua đô la. Do đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi kép với tỉ giá mới, đảm bảo lợi ích kinh tế. Đối với người dân nắm giữ đô la Mỹ, khối lượng giao dịch xuyên biên giới không nhiều như doanh nghiệp, chủ yếu là chữa bệnh và cho con em du học.

Còn với tiền tiết kiệm, thu nhập và chi tiêu bằng đồng VNĐ, vị thế đồng VN rất cao, năm 2014, lạm phát là 1,84, và 2015 là khoảng 0,6%, người dân có tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ đang là 4-5%. Cách thức điều hành mới thì có thể nay tăng, mai giảm nên không ảnh hưởng nhiều tới giao dịch của người dân.

Chính sách tỷ giá là một trong những chủ đề được dư luận đang rất quan tâm hiện nay. NHNN cho biết quan điểm và định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Cách thức điều hành tỷ giá mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế.

Với cách thức điều hành mới này, NHNN sẽ điều hành và có biện pháp gì để ổn định được thị trường?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.