Ngân hàng Phát triển Mới sắp hoạt động chính thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài ngày sau khi diễn ra lễ ký kết điều lệ chính thức của Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Trung Quốc hôm qua (1/7) đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS còn gọi là Ngân hàng Phát triển Mới và Thỏa thuận lập quỹ dự trữ ngoại hối quy ước của các nước BRICS.

Trước đó, các thành viên khác của BRICS là Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã thực hiện bước đi tương tự. Dự kiến, các hoạt động của Ngân hàng Phát triển mới sẽ chính thức diễn ra vào tuần sau với cuộc họp chung đầu tiên của các cấu trúc quản trị.
Lãnh đạo BRICS kỳ vọng Ngân hàng Phát triển Mới sẽ tiếp thêm sức mạnh và củng cố vị thế của các nước thành viên.
Lãnh đạo BRICS kỳ vọng Ngân hàng Phát triển Mới sẽ tiếp thêm sức mạnh và củng cố

vị thế của các nước thành viên.
Các nước BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển Mới mục đích tạo ra hệ thống thay thế Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tài trợ các dự án có lợi không phải cho Mỹ hay EU mà cho chính các nước đang phát triển và là công cụ chung thúc đẩy lợi ích của BRICS trên thế giới. Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Mới được các chuyên gia nhận định là một nhân tố góp phần biến ý tưởng thế giới đa trung tâm thành hiện thực. Bản thân sự tồn tại của Ngân hàng Phát triển Mới sẽ bảo đảm đa dạng hóa các trung tâm quyền lực và từ chối sự độc tôn bá chủ.
Ngân hàng Phát triển Mới sắp hoạt động chính thức - Ảnh 1
Ông Ren Yuanzhe – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BRICS của Trung Quốc nhận định, các hoạt động của Ngân hàng Phát triển Mới sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể bởi giữa các nước thành viên của BRICS đang có nhiều dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về kinh tế. Ngoài ra, việc Ngân hàng Phát triển Mới không chỉ là hệ thống phối hợp kinh tế bên trong nhóm mà còn là một cơ chế hợp tác của BRICS với các nước đang phát triển khác sẽ góp phần tăng trọng lượng tiếng nói của các quốc gia mới nổi khác.

Theo điều lệ được thông qua, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Mới sẽ là người Nga. Đại diện của Brazil sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch đầu tiên của Ban Giám đốc điều hành. Thống đốc đầu tiên là người Ấn Độ. Ngoài trụ sở tại Thượng Hải, ngân hàng sẽ có trung tâm khu vực tại Nam Phi. Cơ cấu tổ chức này là một trong những yếu tố bảo đảm quyền bình đẳng và cân nhắc lợi ích của các quốc gia thành viên.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra trong 2 ngày (9 – 10/7) tại thành phố Ufa, LB Nga. Trước thêm Hội nghị, Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh này, Ngân hàng Phát triển Mới và Quỹ dự trữ ngoại hối sẽ đi vào hoạt động thực tế.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần