Kinhtedothi - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tây Đỗ Đức Dục.
Một trong những chủ trương đó là việc hỗ trợ vốn vay thực hiện cơ giới hóa (CGH) thông qua Quyết định 68/2013/QĐ-TTg (Quyết định 68) ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những nút thắt cần tháo gỡ.
Còn những băn khoăn
Trước khi Quyết định 68 ra đời hơn một năm, ngày 6/7/2012 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 16 về “Ban hành Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016”. Sau 3 năm thực hiện, trên địa bàn Hà Nội đã có 107 hộ dân tham gia vay vốn đầu tư CGH nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc chủ yếu là khâu hoàn thành các thủ tục hành chính. Sau khi Quyết định 68 ban hành, mặc dù về thời gian ưu đãi chỉ hai năm đầu được hỗ trợ 100% lãi suất và 50% năm thứ ba (so với 100% lãi suất cả 3 năm của Quyết định 16) nhưng việc tiếp cận nguồn vốn được đánh giá là “thông thoáng” hơn. Nhờ đó, chỉ sau hơn một năm triển khai, Agribank chi nhánh Hà Tây đã có 78 khách hàng vay với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng. Tại Hội nghị đánh giá kết quả cho vay theo Quyết định 68 ngày 24/3/2016 do Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Hà Tây tổ chức đã có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này.
Theo đó, đại diện 14 chi nhánh trực thuộc Agribank, Sở NN&PTNT Hà Nội, Hội Nông dân Hà Nội, các DN đều cho rằng, việc CGH nông nghiệp là con đường tất yếu để nông nghiệp phát triển trong thời kỳ hội nhập. Quyết định 68 đã giúp nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư mua máy móc nông nghiệp hiện đại, giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy CGH nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao. Quá trình triển khai vẫn còn một một số khó khăn vướng mắc dẫn đến kết quả còn hạn chế. Đó là việc một vài địa phương công tác dồn điền đổi thửa chưa triệt để, ruộng đất còn manh mún, nhiều ô, thửa nhỏ khó đưa máy móc vào sản xuất. Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, không ổn định, sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên các DN, tổ chức, cá nhân chưa mặn mà và không muốn đầu tư vốn vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, một vài địa phương băn khoăn về đội ngũ kỹ sư, thợ máy, chuyên viên bảo dưỡng máy nông nghiệp còn ít, nếu có sự cố sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất nông nghiệp… Từ đó, dẫn đến nhu cầu vay vốn theo Quyết định 68 trên địa bàn chưa như mong muốn.
Chung tay hỗ trợ nông dân
Trước những băn khoăn của các đại biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty Công nông nghiệp Hà Nội – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp máy nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội cam kết, sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, đào tạo, huấn luyện và cung cấp mọi thông tin thuận tiện nhất để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn theo Quyết định 68. Đồng thời, tư vấn để người dân có thể mua sắm những loại máy tốt nhất, phù hợp nhất với giá cả ưu đãi nhất kèm theo chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt nhất. Ông Minh cho biết, dù mới chỉ hơn một năm phối hợp với Agribank chi nhánh Hà Tây triển khai chương trình, đã có 39 khách hàng mua máy của công ty. Một số khách hàng đã đặt tiền chờ nhận máy chuyển từ Nhật Bản về. Quyết định 68 đã có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Theo đó, trang thiết bị máy móc trong các khâu từ làm đất đến gieo trồng, thu hoạch đã tăng nhanh. Đặc biệt việc tiết giảm tổn thất trong sản xuất lúa gạo từ mức 11 - 13% nay xuống chỉ còn 5 - 6%. Đối với rau quả, thủy sản giảm tổn thất từ 20% xuống 10%. Theo tính toán sơ bộ, nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch với sản lượng lúa 43 triệu tấn/năm hiện nay giảm tổn thất 3% khoảng 1,2 triệu tấn lúa/năm.
Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tây Đỗ Đức Dục cho rằng, nhu cầu, đối tượng của Quyết định 68 còn rất lớn. Quan trọng là cách làm và sự liên kết chặt chẽ giữa bên liên quan làm sao để mang đến nhiều lợi ích nhất cho người nông dân theo đúng tinh thần của chủ trương này. Ông Dục cũng yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, thực hiện các thủ tục tín dụng một cách chặt chẽ, thuận lợi nhất cho khách hàng. Đặc biệt, phối hợp hiệu quả hơn nữa với Công ty Công nông nghiệp Hà Nội trong việc hỗ trợ cung cấp các sản phẩm máy nông nghiệp cho nông dân.