Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Việt Nam vẫn ở xa chuẩn quốc tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đã có nhiều đổi mới trong tiếp cận thông lệ quốc tế nhưng nghiêm túc mà nói chúng ta vẫn còn xa so với chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách tài chính, tiếp cận dần với thông lệ quốc tế đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết".

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn trao đổi hôm qua, 27/11, với báo chí bên lề Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á tổ chức tại Hà Nội.
 
Ngân hàng Việt Nam vẫn ở xa chuẩn quốc tế - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của DongAbank.Ảnh: Trần Việt

Thanh khoản, nợ xấu... là những vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo ông, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp gì để người dân tin tưởng hơn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam?

- Thời điểm khó khăn nhất của hệ thống ngân hàng là cuối năm 2011. Thanh khoản thị trường có vấn đề, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ do nợ xấu lớn và mất khả năng thanh khoản. Tâm lý thị trường lúc ấy rất nặng nề, tuy nhiên chúng ta đã khéo léo vượt qua vì có những giải pháp của Chính phủ để đảm bảo lòng tin người dân. Chính phủ đảm bảo quyền lợi người gửi tiền để ngân hàng tiếp tục huy động vốn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tạm thời cho các ngân hàng gặp  khó khăn.

Ngoài ra, chúng ta đã kiểm soát không cho các ngân hàng có khó khăn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm hay mở rộng kinh doanh. Điều này hạn chế khó khăn và cải thiện tình hình các ngân hàng hiện nay cả hệ thống đã khá hơn. Theo tôi, trước mắt phải xử lý nợ xấu để “dòng máu” nền kinh tế lưu thông tốt hơn.

Nợ xấu là vấn đề được bàn thảo nhiều. Tuy nhiên, tiến trình giải quyết vấn đề này có vẻ quá chậm, thưa ông?

- Nợ xấu là vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng và của cả nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Hiện, Quốc hội đã đặt lộ trình tới 2015 đưa nợ xấu xuống dưới 3%.
 
Áp dụng chuẩn mực Basel III nhằm gia tăng tiêu chuẩn về an toàn vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang được bàn đến nhiều.Việt Nam đã thực hiện tiến trình nâng cao an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế này đến đâu?

- Chúng ta phải nhìn nhận mình đang ở vị trí nào trong lộ trình cải cách tài chính theo lộ trình quốc tế. Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đã có nhiều đổi mới trong tiếp cận thông lệ quốc tế nhưng nghiêm túc mà nói chúng ta vẫn còn xa so với chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là từ năm 2008 - 2009 khi khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, trên thế giới lại tiếp tục cải cách tài chính lần nữa.

Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách tài chính. Không những phải khắc phục được điểm yếu nội tại mà phải đi nhanh hơn để tiếp cận dần với thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chí của Basel III. Qua Hội nghị này, chúng ta sẽ được trao đổi với các đồng nghiệp ở các quốc gia trong khu vực đang triển khai nhanh cải cách tài chính, họ đang tích cực triển khai Basel III.

Xin cảm ơn ông!
 
 
Hội nghị "Ổn định tài chính khu vực Đông Á" diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/11) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước. Nội dung nghị sự chính của Hội nghị là cập nhật và trao đổi thông tin về diễn biến của kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế; đánh giá tính ổn định và bền vững của thị trường tài chính khu vực Đông Á, chuẩn mực an toàn, khả năng phản ứng trước những biến động từ bên ngoài; sự cần thiết cũng như cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát tài chính trong môi trường đầy biến động và thách thức.