Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mỗi ngày lỗ 6 tỷ đồng?

Công Tiến - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày xét xử 10/8, nhiều bị cáo trong vụ đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho rằng, do có hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến cho ngân hàng này mỗi ngày bị lỗ tới 6 tỷ đồng (?).

Theo Quyết định 12, VNCB chỉ được phép huy động tiền gửi, không được cho vay ra. Tất cả khoản giao dịch trên 5 tỷ đồng buộc phải thông qua sự phê duyệt của Tổ giám sát của NHNN đặt tại đây. Tại phiên tòa, bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB cùng các bị cáo là cán bộ của ngân hàng này đều cho rằng, Quyết định 12 của NHNN và Tổ giám sát đã gây cản trở cho hoạt động và khiến ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn.
 Bị cáo Phan Thành Mai tại phiên tòa. Ảnh: Công Tiến
Bị cáo Phan Thành Mai tại phiên tòa. Ảnh: Công Tiến
Khai trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai cho biết, sau khi VNCB bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và phân công Tổ giám sát theo dõi các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải báo cáo thì mỗi ngày ngân hàng này bị lỗ 6 tỷ đồng. Đồng thời, việc chi lãi suất vượt trần không được thể hiện trong sổ sách của VNCB. Theo bị cáo Mai, Tổ giám sát hoạt động theo nguyên tắc hành chính, do đó có những thời điểm khách hàng của VNCB tới rút tiền gửi tiết kiệm vào cuối tuần và hồ sơ phải trình cho Tổ giám sát nên qua tuần sau mới rút được tiền. Ngoài ra, các khoản chi trả lãi suất có khi đề xuất thì bị kéo dài thời gian giải quyết, hoặc có khi không được duyệt.

Đồng quan điểm, các bị cáo khác cũng khai rằng, đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào VNCB có kỳ hạn thì trong thời gian đó muốn thế chấp chính sổ tiết kiệm của mình để vay lại tiền nhưng không được Tổ giám sát duyệt. Việc một ngân hàng không được cho vay ra thì việc chi trả lãi suất, trả tiền cho khách hàng cũng bị kéo dài thời gian khiến khách hàng mất niềm tin và không gửi tiền vào nữa. Vì vậy, muốn khách hàng gửi tiền vào, ngân hàng phải tự tìm nguồn tiền bằng cách hợp thức hóa hồ sơ khác để trả lãi. Và khi bị khách hàng gây áp lực, lãnh đạo của VNCB nhiều lần đề nghị Tổ giám sát và NHNN cho phép giao dịch an toàn này nhưng rất lâu sau đó mới được duyệt (khoảng tháng 4/2014). Những vướng mắc, cản trở này chính là tác nhân gây ra hậu quả của vụ án.

Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khai nhận, việc nâng cấp hệ thống Corebanking là cần thiết và có thật cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, do tình hình khó khăn tại ngân hàng lúc đó nên Danh đã “mượn tạm” số tiền trên 63 tỷ đồng. Thế nhưng, Danh đã không dùng để thực hiện dự án mà rút toàn bộ số tiền trên sang chăm sóc khách hàng.

Qua lời khai của bị cáo Mai và các bị cáo khác cho thấy, hầu hết các khoản lãi vay của khách hàng, khoản chi chăm sóc khách hàng, chi trả lãi ngoài đều lấy tiền từ bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh chứ không phải nguồn tiền của VNCB. Và việc vào thời điểm đó mỗi ngày VNCB bị lỗ 6 tỷ đồng và tất cả các nguồn tiền chi ra đều từ bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.