Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng - Xi Măng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trái bóng V.League 2010 vẫn chưa lăn, nhưng chẳng cần đợi tới lúc đó, NHM đã có thể hình dung ra viễn cảnh “Ngân hàng” đấu “Xi măng” ở mùa giải tới. Viễn cảnh mà ở đó rất có thể chuyện “zích zắc” ngoài sân cỏ nóng bỏng chẳng kém trong sân.

KTĐT - Trái bóng V.League 2010 vẫn chưa lăn, nhưng chẳng cần đợi tới lúc đó, NHM đã có thể hình dung ra viễn cảnh “Ngân hàng” đấu “Xi măng” ở mùa giải tới. Viễn cảnh mà ở đó rất có thể chuyện “zích zắc” ngoài sân cỏ nóng bỏng chẳng kém trong sân.

Chỉ cần chú ý một chút cũng có thể “bói” được khoảng 4-5 đội bóng, mà hầu hết đều là những đội bóng “khủng” có bóng dáng từ những ngân hàng đứng sau. Nào là ĐKVĐ SHB Đà Nẵng, cùng người anh em T&T Hà Nội; hay một QK4 mới được chuyển giao cho Ngân hàng Nam Việt và sẽ có tên: NaViBank Sài Gòn FC. Rồi nữa, Sông Lam Nghệ An với sự đầu tư bởi Ngân hàng Bắc Á.

Nói chung, bóng dáng ngân hàng đang bao phủ gần 36% bầu trời V.League mùa tới. Tốt thôi, bởi kinh nghiệm cho thấy, cứ đội nào gắn tên với các ngân hàng đều là những đội giàu, mà với bóng đá chuyên nghiệp thì chuyện giàu có luôn được đề cập trước tiên. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Khi các ngân hàng đồng loạt nhảy vào bóng đá thì liệu họ có mượn bóng đá để làm “chiến địa”?

Muốn trả lời câu hỏi, cần tham chiếu một sự kiện đã diễn ra cách đây chừng 5 năm: Hồi đó, hai CLB là Ngân hàng Đông Á và Hà Nội ACB đều rất muốn sở hữu tuyển thủ Chaiman của Thái Lan. Bầu Kiên của HN.ACB mở hàng loạt cuộc tiếp xúc với Chaiman và trên một tờ báo, đã tuyên bố chắc nịch: 99,99% HN.ACB sẽ có Chaiman. Thế là Ngân hàng Đông Á lo sốt vó, và lập tức bằng mọi cách lao về phía “con mồi”. Kết quả là Ngân hàng Đông Á sở hữu Chaiman với một cái giá “cắt cổ”, nhưng về NHĐA thì Chaiman lại không thể hiện được dấu ấn nào. Dân bóng đá nhìn vào vụ việc liền phán: Chaiman không hợp với... BĐVN. Thế nhưng, “dân ngân hàng” thì lại chẳng quan tâm tới cái gọi là “hợp” hay “không hợp”, mà chỉ tổng kết ngắn gọn: Trong vụ này, ngân hàng Đông Á đã thua ngân hàng ACB một vố đau.

Sự kiện này có thể là sự kiện điển hình cho “cuộc chiến” giữa các ngân hàng thông qua bóng đá. Và mùa giải tới, khi số lượng các đội bóng có sự hiện diện của ngân hàng tăng đáng kể, thì những cuộc chiến kiểu như vậy chắc chắn sẽ bùng nổ nhiều hơn.

Bên cạnh sự lấn chiếm của ngành ngân hàng, thì V.League 2010 cũng sẽ chứng kiến sự hiện diện của lĩnh vực xi măng. Đội bóng Xi măng Hải Phòng sau một mùa giải không như ý, giờ đang thay máu nhân sự và đang tiếp tục đặt chỉ tiêu cao. Rồi Vissai Ninh Bình (cũng là đội bóng được tài trợ bởi một tập đoàn xi măng) sau khi lên hạng đang vung tiền mua quân, mua tướng.

Cả XM.HP và V.NB đều nằm ở phía Bắc. Họ là những đại gia thực thụ và đều nuôi tham vọng rất lớn cho mùa giải tới. Vậy thì giữa hai đội bóng rất khó tránh khỏi cảnh “con gà tức nhau tiếng gáy” và dĩ nhiên là “con gà” nào “gáy” to hơn thì cũng có nghĩa là “Xi măng” ấy bay cao hơn và có sức lan tỏa lớn hơn.

Rõ ràng là phần trên của V.League - cái phần mạnh mẽ nhất, tiềm lực nhất, tham vọng nhất đang được bao phủ bởi bóng dáng của “Ngân hàng” và “Xi măng”. Vậy nên nói là “Ngân hàng” đấu “Xi măng” cũng đúng, mà nói là “nội chiến” ngân hàng hay xi măng cũng chẳng sai….

Vấn đề là những “Ngân hàng” kia và những “Xi măng” đó gắn bó với làng bóng được bao lâu? (Bài học về XMCT ở Thanh Hóa mùa giải vừa qua là một ví dụ). Và, những cuộc chiến rất thú vị kia liệu sẽ diễn ra trong một vài khoảnh khắc, hay sẽ trở thành những cuộc chiến truyền thống như người ta vẫn thấy trong những màn “derby doanh nghiệp” ở trời Tây?