Tuy nhiên, việc cơ cấu nguồn thu đã thay đổi khi nguồn thu nội địa tăng, tỷ lệ thu từ dầu thô giảm cộng với hoạt động nhập khẩu (NK) xăng dầu hưởng lợi, giảm chi phí nhiên liệu trong sản xuất, kinh doanh... đã khiến nỗi lo hụt thu ngân sách giảm bớt.
Nhiều nguồn thu bù đắp
Sáng 14/12, giá dầu thô giao dịch trên thị trường London đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008. Trên sàn London, giá dầu thô Biển Bắc giao tháng 1 ở mức 37,94 USD/thùng, sau khi giảm còn 37,93 USD/thùng vào tuần trước - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng đóng cửa ở mức 35,36 USD/thùng. Những đồn đoán về việc có thể dỡ bỏ các giới hạn về sản lượng sản xuất cũng khiến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu tồi tệ hơn.
Việc giá dầu giảm sâu đã khiến nỗi lo thâm hụt ngân sách thêm hiện hữu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong thu ngân sách 2015, dầu thô chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu. “Con số 66.000 tỷ đồng thu từ dầu thô còn thấp hơn cả phần nợ đọng thuế (76.000 tỷ đồng)” - ông Tuấn cho biết. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, thu ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng đạt 860,1 ngàn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, bằng 92,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, cơ cấu nguồn thu ngân sách đã thay đổi. Nếu trước đây, thu từ dầu thô chiếm tỷ trọng lớn thì năm 2015, số thu nội địa đã tăng mạnh. Cụ thể, số thu nội địa lũy kế 11 tháng đạt 642,7 ngàn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán, bằng 93,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội. 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm. Nhiều khoản thu đạt cao như các khoản thuế bảo vệ môi trường đạt 185,9% dự toán; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 154,5% dự toán; thu khác ngân sách đạt 154,2% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 143,1% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 127,8% dự toán... Nguồn thu từ dầu thô, lũy kế 11 tháng đạt 60,57 ngàn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán. Sản lượng dầu thanh toán 11 tháng ước đạt xấp xỉ 15,28 triệu tấn, bằng 103,4% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 57 USD/thùng, giảm 43 USD/thùng so với giá dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, lũy kế 11 tháng ước xấp xỉ 152,3 ngàn tỷ đồng (tổng số thu đạt 231,3 ngàn tỷ đồng, bằng 89% dự toán...).
Như vậy, dù giá dầu thô giảm mạnh, nguồn thu từ dầu thô đi xuống nhưng kết quả thu ngân sách Nhà nước đến hết tháng 11/2015 đạt khá, ước thu cả năm sẽ đạt và vượt dự toán. Số thu ngân sách T.Ư theo đó cũng khả quan hơn, mức độ giảm thu ngân sách T.Ư khả năng thấp hơn so với dự kiến.
Nhập khẩu xăng dầu được lợi
Bên cạnh việc bớt lo do các nguồn thu khác bù đắp, việc giá dầu giảm sâu cũng khiến hoạt động NK xăng dầu hưởng lợi. Theo đại diện Bộ Tài chính, dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ NK khoảng 12,5 - 13 triệu tấn xăng dầu. Giá xăng dầu giảm sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất hạ. Khi đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và người dân sẽ thuận lợi hơn. Thuế thu từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, ngân sách càng hưởng lợi. “Nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD/thùng như hiện nay thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 2 - 2,1 tỷ USD” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, giá dầu thô giảm dẫn đến giá xăng, dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính hiện đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD/thùng mà trường hợp 40,35 USD, thậm chí 30 USD/thùng cũng đã được tính đến. Thời gian tới, Bộ Tài chính đã có nhiều phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu, tăng cường chống thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời điều chỉnh tiến độ chi ngân sách Nhà nước cho phù hợp.
Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF)
|
Giá xăng dầu giảm chính là điều kiện cần thiết để kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo. Theo tính toán, hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 40 - 50% chi phí sản xuất, 10 - 15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Xét về lợi ích cho nền kinh tế, việc giá xăng dầu giảm có thể giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới |