Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân sách nhà nước: Phải mất 4-5 năm mới bình ổn trở lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc Chính phủ ước bội chi bằng 6,9% GDP là chưa tích cực, khi tổng số thu không giảm như dự báo ban đầu (từ 40.000-60.000 tỷ đồng) mà vẫn vượt 750 tỷ đồng.

KTĐT - Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc Chính phủ ước bội chi bằng 6,9% GDP là chưa tích cực, khi tổng số thu không giảm như dự báo ban đầu (từ 40.000-60.000 tỷ đồng) mà vẫn vượt 750 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và các đại biểu dứt khoát yêu cầu giảm bội chi 2010 xuống không quá 6% GDP, nhưng Chính phủ vẫn bảo lưu đề nghị 6,5% vì cân đối ngân sách chưa thể trở lại bình thường sau cuộc suy thoái toàn cầu.

Phiên thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2009 và dự toán năm 2010 diễn ra hôm qua. Không nhiều ý kiến được đưa ra tại các tổ, song tất cả đều cho rằng Chính phủ cần chặt chẽ hơn trong việc thu chi ngân sách. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách năm nay ước đạt 390.650 tỷ đồng, vượt 0,2% dự toán (tương đương vượt 750 tỷ đồng); trong khi chi ngân sách ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán. Ước cả năm, bội chi ngân sách thực hiện là 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, tăng 28.600 tỷ đồng so với dự toán.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc Chính phủ ước bội chi bằng 6,9% GDP là chưa tích cực, khi tổng số thu không giảm như dự báo ban đầu (từ 40.000-60.000 tỷ đồng) mà vẫn vượt 750 tỷ đồng. Hơn nữa, Quốc hội đã ra yêu cầu giữ nguyên dự toán chi.

Ủy ban cũng không hài lòng với đề xuất chi tiêu ngân sách của năm 2010. Chính phủ đề nghị thu ngân sách năm tới đạt khoảng 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009. Với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,5-7%, Chính phủ đề nghị mức bội chi bằng 6,5% GDP (tương đương 125.500 tỷ đồng), với mức dư nợ Chính phủ dự tính bằng 44,6% GDP.

Ảnh: TTXVN
Đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình ngân sách nhà nước. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách, nếu để bội chi năm tới như đề xuất của Chính phủ, tính chung cả hai năm 2009-2010 số tiền bội chi sẽ lớn gần gấp đôi so với năm 2008. Đó là chưa kể tới nguồn chi từ vốn trái phiếu chính phủ hằng năm liên tục ở mức 50-60.000 tỷ đồng và một số khoản chi khác. Nếu tính gộp vào, bội chi thực tế còn cao hơn nhiều con số báo cáo Quốc hội. Hơn nữa, mức dư nợ Chính phủ hiện nay đã khá cao, chưa bao gồm khoản vay của địa phương và các khoản tạm ứng ngân sách luân chuyển qua các năm.

"Cần có kỷ luật ngân sách. Thu đã vượt và bội chi vẫn tăng cao. Tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban Kinh tế Quốc hội phải giữ bội chi 2010 ở mức 6%", đại biểu Trần Du Lịch - đoàn TP HCM, đề nghị. Theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, năm 2009, tăng công chi nhưng chưa giải ngân tốt, nếu năm tới vẫn tiếp tục tăng chi một cách dễ dãi sẽ gây áp lực tới lạm phát và tạo rủi ro trong an ninh tài chính quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn - đoàn Thừa Thiên Huế, cũng chia sẻ mối lo này khi chỉ ra tình trạng nợ Chính phủ liên tục tăng cao, từ mức 36.000 tỷ đồng năm 2007 lên 44.000 tỷ đồng năm 2009 và có nguy cơ tiệm cận mốc 48.000 tỷ đồng vào năm tới. "Như vậy rất nguy hiểm, nguy cơ an ninh tài chính rình rập rất lớn. Đề nghị đại biểu Quốc hội suy nghĩ về vấn đề này, để Chính phủ đưa ra lộ trình giảm bội chi, giảm nợ và Quốc hội giám sát", ông Toàn nói. Một nền tài chính được cho là an toàn khi dư nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP.

Ông đề nghị xem xét lại các khoản chi, trong đó có khoản chi cho các tập đoàn, theo nguyên tắc tập đoàn phải tự cân đối thu chi, không được lấy tiền từ ngân sách nữa. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh Việt Nam còn thất thu nhiều.

Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chỉ ra sự bất hợp lý trong cân đối thu chi và băn khoăn về việc trong khi ngân sách trung ương bội chi gần 7.000 tỷ đồng thì ngân sách địa phương lại bội thu. Ông cũng đặc biệt quan tâm tới sự bất thường trong mục báo cáo các khoản chi khác của Chính phủ. Ước tính cả năm Chính phủ dùng khoảng 11.722 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho các khoản ngoài đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Mức chi này tăng 1.790,6% so với dự toán 620 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt.

"Khoản này đã vượt nhiều so với dự toán của Quốc hội nên dứt khoát Chính phủ phải giải trình. Về nguyên tắc cứ khoản nào bội chi, vượt dự toán là phải công khai, báo cáo trước Quốc hội", ông Hiển yêu cầu.

Buổi họp tổ của đoàn đại biểu Nam Định, Bình Dương, Long An, nơi có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, đã kết thúc sớm sau khi người đứng đầu cơ quan được cho là kế toán trưởng của Chính phủ giãi bày về chuyện cân đối thu chi. Ông Ninh thừa nhận mức bội chi 6,5-6,9% là cao nếu xét tới dự toán ngân sách các năm trước, khi đó tỷ lệ không bao giờ vượt 5% GDP. Tuy nhiên, ông cho rằng tranh thủ bội chi để đầu tư phát triển là xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới.

Ngân sách nhà nước: Phải mất 4-5 năm mới bình ổn trở lại - Ảnh 1
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Cân đối ngân sách hiện rất căng". Ảnh: TTXVN

"Tôi đã từng nói với các nhà báo, cũng giống như trong gia đình, khi ta xây một cái nhà, nếu chờ đủ tiền thì không biết đến bao giờ, nên phải vay thêm để xây, sau đó làm ăn để trả. Nôm na hiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước cũng vậy", ông ví von.

Theo Bộ trưởng Tài chính, bội chi tăng, song nợ quốc gia vẫn đảm bảo an toàn. Thông thường, dư nợ chính phủ dưới 50% là an toàn, Việt Nam đang tiệm cận mốc này nhưng điều đó không có nghĩa là nguy hiểm, vì trong tất cả các khoản nợ của Chính phủ, không có khoản nào quá hạn, bất cứ khoản nào đến hạn Chính phủ đều trả nước. Ông dẫn chứng các nước trên thế giới có nơi vay nợ gần 100% GDP nhưng nền tài chính vẫn được cho là an toàn, trong khi có nơi chỉ 20-30% đã có nguy cơ cao bởi họ không đủ khả năng trả nợ.

Việc tăng bội chi của năm 2009, theo giải thích của ông Vũ Văn Ninh, là có những lý do riêng. Thu từ địa phương tổng thể là tăng, nhưng có nơi hụt nơi tăng, trong khi đó nơi tăng không thể điều chuyển về trung ương, còn nơi hụt trung ương lại phải dùng ngân sách bù cho đủ. Trong khi đó, các khoản thu quan trọng của trung ương như thu từ dầu thô và xuất khẩu lại không đạt kế hoạch. Nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, có nhiều chính sách mà dự toán đầu năm trình Quốc hội chưa tính tới, nhưng quá trình thực hiện Chính phủ phải báo cáo để bổ sung.

"Để giảm bớt căng thẳng ngân sách 2010, Chính phủ đã bàn nhiều và báo cáo xin Quốc hội cho bội chi của 2009 là 6,9% để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ 2009, nếu không chúng ta lại phải chuyển sang 2010", ông nói.

Tình hình ngân sách 2010, theo ông Ninh vẫn hết sức căng thẳng, phần vì kinh tế chưa thể phục hồi sau khủng hoảng, phần vì Chính phủ phải tiếp tục các chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Các loại thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân nhìn chung đều thấp hơn trước. Nguồn thu từ dầu thô có dấu hiệu tiếp tục giảm. Sản lượng khai thác giảm dần qua các năm từ đỉnh cao 18 triệu tấn xuống còn 15 triệu tấn trong năm nay và hơn 14 triệu tấn vào năm sau. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mỗi năm Việt Nam phải cắt khoảng 1.000-1.700 dòng thuế. Riêng 2010, số thuế phải cắt giảm cho phù hợp với cam kết sẽ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, áp lực về tăng chi ngân sách trong 2010 rất lớn. Kinh tế chưa lấy lại đà tăng trưởng như cũ, vì vậy vẫn phải duy trì công chi ở mức nhất định để đảm bảo an sinh xã hội đã ban hành. Vấn đề tăng lương cũng tạo thêm áp lực với ngân sách. Toàn bộ bội chi của năm 2010, khoảng 125.500 tỷ đồng sẽ dùng cho đầu tư phát triển. Toàn bộ phần thu ngân sách chỉ dùng để đảm bảo chi thường xuyên, an sinh xã hội và tiền lương.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng nếu giảm bội chi xuống 6% như Ủy ban Tài chính đề xuất có nghĩa phải giảm chi khoảng 9.700 tỷ đồng. Để tăng thu không có cách nào khác là tăng thu từ địa phương. Nhưng địa phương đã tăng kịch trần, có nơi mấy chục phần trăm, họ kêu rất dữ rồi. Cách thứ hai để giảm bội chi là cắt giảm chi, cắt vào đầu tư hoặc cắt vào tiền lương, an sinh xã hội.

"Khi làm chính sách đặc biệt cho năm 2009 để khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế, Chính phủ đã báo cáo sau khoảng 4-5 năm ngân sách mới trở lại bình thường. Bội chi mà các đồng chí nói phải giảm dần, thì phải sau 5 năm mới trở về bình thường. Năm 2009 chúng ta đã phải gồng mình lên để đáp ứng yêu cầu. Hậu quả của khủng hoảng phải mất vài năm mới trở về bình thường", ông giãi bày.

Ông Ninh còn dẫn chiếu số liệu bội chi ở các nước phát triển để cho thấy Việt Nam đã nỗ lực để giữ vững cân đối tài chính. Theo công bố của IMF, trước khủng hoảng các nước trong khối G20 bình quân chỉ bội chi 1,1% nhưng sau khủng hoảng đã lên tới 8,1%.

"Chúng ta chỉ tăng từ 5 lên 6,9% thì mới thấy sự cố gắng vô cùng to lớn. Phục hồi kinh tế của chúng ta đi nhanh hơn nhiều. Người ta bỏ ra hàng trăm tỷ đôla, còn chúng ta chỉ chi thực tế từ ngân sách 1 tỷ đôla, cộng với tiền từ điều tiết thuế cũng chỉ 2-3 tỷ USD", ông nói thêm.