Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Ngành cơ khí cần chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ để hội nhập quốc tế"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phó Thủ tướng khẳng định sẵn sàng đối thoại với DN, Hiệp hội để giải quyết khó khăn, đưa ngành cơ khí VN phát triển, hội nhập mạnh mẽ.

KTĐT - Phó Thủ tướng khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh nhằm đưa ngành cơ khí Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình cơ khí trọng điểm, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng đặt ra với ngành cơ khí hiện nay là phải có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ để tham gia vào sự phân công lao động trong chuỗi chế tạo quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo "Tiềm năng chế tạo thiết bị phụ trợ của Việt Nam cho công nghiệp năng lượng”, tổ chức ngày 14/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh từng doanh nghiệp, hiệp hội cơ khí và Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để hợp tác hiệu quả chặt chẽ.

Theo Phó Thủ tướng, hiện các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam còn yếu kém trong nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu thiết kế và triển khai; dẫn tới các ngành công nghiệp phụ trợ khác chưa thể phát triển. Đặc biệt, chính sự hợp tác giữa các doanh nghiệp cơ khí còn yếu kém đã khiến ngành cơ khí chưa phát huy được hết năng lực và chưa tận dụng được cơ hội để phát triển.

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có khả năng phát triển cơ khí nhưng cho đến nay, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 38% nhu cầu về thiết bị cơ khí trong nước; phần còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu trong khi đây là các sản phẩm mà Việt Nam có khả năng sản xuất được.

Phó Thủ tướng lưu ý hội thảo này là bước đi đầu tiên để Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, Hiệp hội cơ khí cùng nhau đánh giá năng lực thực chất, thống nhất phân công thực hiện các đơn hàng cung cấp thiết bị cơ khí cho Tập đoàn Alstom để tránh đầu tư trùng lặp.

Ông Hải cho rằng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chứng minh tiềm năng trở thành nhà cung cấp thiết bị cho các đối tác quốc tế với khả năng cạnh tranh cao về giá thành, lao động cũng như năng lực tổ chức sản xuất để giao hàng đúng hẹn.

Phó Thủ tướng khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh nhằm đưa ngành cơ khí Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ.

Tại hội thảo, Giám đốc phụ trách Tập đoàn Alstom khu vực châu Á, ông Laurent Fortier-Beaulieu cho biết hiện Alstom mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam để sản xuất và cung cấp thiết bị, lao động cũng như dịch vụ bảo dưỡng với giá cả cạnh tranh cho các dự án thủy điện và phong điện, nhiệt điện công suất lên tới 600MW mà Alstom đang triển khai tại Việt Nam, Indonesia, Australia, Malaysia.

Với chính sách coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu ở khu vực, Alstom cam kết sẽ hỗ trợ về mặt công nghệ, kinh nghiệm quản lý tổ chức với các đối tác Việt Nam có đủ tiêu chuẩn và khả năng hợp tác lâu dài với Alstom.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo cơ khí trọng điểm của Chính phủ, với sự phân công của Hiệp hội cơ khí cũng như với năng lực thực tế của ngành cơ khí, một số doanh nghiệp Việt Nam như Lilama, MIE, Cơ khí Quang Trung, HAMECO hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp thiết bị cho Alstom theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, do chưa thể chủ động trong khâu thiết kế chế tạo mà mới dừng lại ở trình độ gia công nên cho dù các doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được tới 60-70% khối lượng công việc mà Alstom yêu cầu, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn thấp, chỉ đạt khoảng 25%./.