Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược TPP và tác động đến DN dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt May Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 25/9. Báo cáo của Hiệp hội Dệt May cho thấy, hiện thuế suất trung bình của hàng dệt may vào Mỹ là 17,5%, EU là 9,6%, sau khi Việt Nam hoàn thành việc đàm phán TPP thì thuế suất sẽ là 0%. Đáng chú ý, hiện Trung Quốc chưa tham gia đàm phán TPP. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Mỹ và EU khi các Hiệp định TPP và FTA được ký kết. Ngoài ra, các DN còn có thêm điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu sang các nước Canada, Australia, Peru và Chilê là những nước đang tham gia quá trình đàm phán TPP. Tuy nhiên, các nước EU, Mỹ khi đàm phán TPP với Việt Nam cũng đặt ra nhiều quy định ngặt nghèo như quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may khi yêu cầu các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải làm tại các nước thành viên TPP. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam hoạt động theo phương thức gia công nên phải nhập khẩu đến 88% tổng nhu cầu nguyên phụ liệu, nhưng những nước cung ứng chính lại không nằm trong TPP. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May cho biết: Hiện khoảng 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức cắt, ráp và hoàn thiện. Nếu không cải thiện tình trạng này DN sẽ khó khai thác được lợi thế do TPP và FTA mang lại nếu công thức "từ sợi trở đi" hoặc yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ được áp dụng. Theo Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đến năm 2020 vừa được Bộ Công Thương thông qua, liên kết chuỗi cung ứng giữa các DN xe sợi, dệt, may và thiết kế cũng đã được tính đến. Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ý kiến: Hiệp định TPP, WTO mang đến cả thuận lợi và thách thức cho DN và DN cần tìm hướng đi thích hợp trong sân chơi chung này. Trong thời gian qua mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng TP Hà Nội đã hỗ trợ lãi suất DN đầu tư mở rộng sản xuất; Thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ DN trong việc nâng cao nguồn vốn lưu động. Trước bối cảnh mới, để tiếp tục duy trì vị thế, tạo điều kiện để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi dệt may toàn cầu đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản, nhất là sản xuất và sử dụng nguyên liệu trong nước: Ngành thiết kế cần được củng cố và nâng cấp; Thị trường nội địa cần phải quản lý, khai thác, phương thức gia công cần được thu hẹp.