Ngành du lịch muốn hồi phục cần xây dựng sản phẩm thích ứng an toàn, linh hoạt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu trên toàn quốc.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, để có thể phục hồi và phát triển ngành du lịch phải thích ứng, làm quen với khái niệm “bình thường mới”. Bên cạnh đó, cần thay đổi từ khâu xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp.
Khách du lịch tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng thống nhất việc cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với diễn biến dịch, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch Covid-19”.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch. Đặc biệt chú trọng phát triển thêm sản phẩm du lịch tiềm năng đó là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch golf, xúc tiến điểm đến thông qua nền tảng công nghệ 4.0, du lịch thể thao, phát triển ẩm thực Việt thành sản phẩm độc đáo của du lịch…
Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách...
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nêu rõ, doanh nghiệp du lịch cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn du khách. “Sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố phát triển bền vững như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi…”- ông Thắng nói.
Trước những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, việc khôi phục, mở cửa thị trường quốc tế của du lịch Việt Nam là dấu ấn quan trọng, thể hiện du lịch Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập và tham gia vào thị trường toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh.
“Thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với một số địa phương, điểm đến sẵn sàng mở cửa đón khách như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch đảm bảo các tiêu chí về an toàn” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần