KTĐT - Mặc dù ngành du lịch ở nhiều nơi thuộc châu Âu và châu Mỹ vẫn nhúc nhích rất chậm, song nhiều điểm đến khác đang cho thấy thực lực tăng trưởng với lượng khách đến thăm kỷ lục, trong đó đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố báo cáo cho biết ngành du lịch toàn cầu đã phục hồi như mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi cuối năm 2008.
UNWTO nhận định cũng giống như sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 hay dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003, ngành du lịch thể giới đang khẳng định sự hồi phục mạnh mẽ.
Trong tám tháng đầu năm nay, lượng du khách trên thế giới đạt 642 triệu lượt người, tăng khoảng 40 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn một triệu lượt so với năm trước khi xảy ra khủng hoảng năm 2008.
Theo báo cáo trên, ngành du lịch quốc tế đang tiếp tục quá trình hồi phục, sau khi sụt giảm 4,2% năm 2009 do tác động của khủng hoảng kinh tế.
UNWTO dự kiến ngành này sẽ tăng trưởng 5-6% cả năm 2010 và khoảng 4% trong năm 2011, trong đó "đầu máy" kéo "đoàn tàu du lịch thế giới" tiếp tục là các nền kinh tế đang nổi.
Mặc dù ngành du lịch ở nhiều nơi thuộc châu Âu và châu Mỹ vẫn nhúc nhích rất chậm, song nhiều điểm đến khác đang cho thấy thực lực tăng trưởng với lượng khách đến thăm kỷ lục, trong đó đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sau khi bất ngờ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới hồi cuối năm 2008, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên trên thế giới cho thấy các dấu hiệu hồi phục, với lượng khách quốc tế đến du lịch tăng ấn tượng 14% trong tám tháng đầu năm 2010, cao hơn 10 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2008, trong đó hầu hết các điểm đến đạt mức tăng hai con số, thậm chí có điểm còn tăng hơn 20%.
UNWTO cũng ghi nhận sự bứt lên không kém phần mạnh mẽ của khu vực Trung Đông, với mức tăng tương ứng 16% và châu Phi (9%) nhờ tổ chức tốt Vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới (World Cup) 2010 tại Nam Phi.
Qua số liệu tích cực trên, UNWTO kêu gọi chính phủ các nước tạm ngừng tăng thuế lữ hành, đặc biệt trong giao thông đường không, nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa ngành du lịch thế giới, góp phần tạo việc làm và kích thích kinh tế tăng trưởng.