Sau 3 vụ sản xuất suy giảm, niên vụ 2011 – 2012, 39 nhà máy đường đã sản xuất đủ đường cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng sang niên vụ 2012 – 2013, ngành đường lại lo dư thừa và ngay bây giờ đã phải bàn biện pháp để xuất khẩu.
Đây là nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2011-2012 và kế hoạch sản xuất vụ 2012-2013 tổ chức vào ngày 10/8.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2011 – 2012, sản lượng mía ép công nghiệp của cả nước đạt 14,5 triệu tấn, sản xuất được trên 1,3 triệu tấn đường (tăng 13,5% tương đương với gần 160 nghìn tấn so với vụ trước).
“Đây là sản lượng cao kỷ lục trong lịch sử ngành đường Việt Nam”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá.
Sau 3 vụ sản xuất sụt giảm, vụ sản xuất 2011-2012 ngành đường sản xuất đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng giá bán thì sụt giảm, thấp hơn vụ trước từ 1.500-2.000 đồng/kg. Khu vực miền nam, miền trung và Tây Nguyên giá bán giảm mạnh nhất vào tháng 2 và tháng 3.
Bước sang niên vụ 2012 – 2013, với diện tích tiếp tục tăng (đạt 300 nghìn ha) và năng suất bình quân tăng (63 tấn/ha), dự báo lượng đường sản xuất còn tăng cao hơn và vượt nhu cầu tiêu dùng đường trong nước. Theo kế hoạch sản xuất của 40 nhà máy trong niên vụ mới thì sản lượng mía ép là 16,7 triệu tấn và sản lượng đường dự kiến đạt 1,59 triệu tấn.
Trước thực tế diện tích và sản lượng tăng nhưng giá bán lại giảm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh quá trình đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu… đã giúp cho ngành đường tăng sản lượng, nhưng đây cũng là khó khăn thách thức do nguồn cung dư thừa, cùng với việc đường lậu tràn vào làm cho giá đường sụt giảm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa, một trong những công ty cung cấp đường lớn trên thị trường cho rằng đối với ngành đường, khi năng suất tăng phải có quá trình chứ không phải thực hiện ngay được một sớm một chiều vì vậy công ty cũng cố gắng đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Khi cơ cấu giá thành mía chỉ chiếm 60-70% giá thành đường, trước mỗi vụ công ty đều có chính sách hỗ trợ vốn lãi suất thấp cho nông dân, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật… để người làm đường không bị thiệt hại.
Hiện nay một số nhà máy không có đủ nguyên liệu vẫn thực hiện mua mía theo 2 giá trong vùng và ngoài vùng. Trong vùng mua giá thấp, ngoài vùng mua giá cao để tranh mua nguyên liệu, gây hệ quả xấu cho việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu làm cho nông dân không yên tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, từ đó không nâng cao được chất lượng.
Bên cạnh đó, do việc tổ chức thu hoạch và sản xuất chưa tốt nên tổn thất sau thu hoạch cao, trữ đường giảm làm cho năng lực cạnh tranh của ngành đường kém. Cụ thể, đối với diện tích mía thu hoạch khoảng 240.000 tấn nhưng chỉ sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn đường và chỉ bằng 50% năng suất đường bình quân thế giới.
Trước tình hình này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Đoàn Xuân Hoà cho hay, để đảm bảo sản xuất đường trong nước bền vững phải có kế hoạch giải quyết lượng đường dư trong năm 2013.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã đồng ý cho ngành đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để giảm lượng đường tồn kho trong nước.