Ngành đường sắt tiếp tục báo lỗ và xin hỗ trợ: Nhà nước phải “bao bọc” đến bao giờ?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành đường sắt vừa trải qua 6 tháng đầu năm 2020 với những con số vô cùng ảm đạm khi thua lỗ tới 450 tỷ đồng. Và như thường lệ, DN này lại xin trợ giúp từ Nhà nước.

Liên tục báo lỗ
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tàu khách trên các tuyến phải dừng đã ảnh hưởng đến khối lượng vận tải của ngành trong 6 tháng đầu năm 2020. Hiện nay, hoạt động của khối vận tải đã phần nào được khôi phục song tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%. Tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt khoảng 1.631 tỷ đồng, bằng 70% cùng kỳ. VNR dự kiến 6 tháng đầu năm 2020 lỗ từ hoạt động vận tải khoảng 450,6 tỷ đồng.
Trước tình trạng kinh doanh thua lỗ, VNR kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các DN vận tải đường sắt miễn nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng năm 2020 và miễn nộp 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020. VNR cũng kiến nghị cho gia hạn thêm 3 năm việc thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt theo lộ trình để giảm áp lực chi phí đầu tư đầu máy, toa xe mới thay thế. Theo VNR, sản xuất kinh doanh của các đơn vị đường sắt tuy bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 nhưng chưa hưởng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các DN bị ảnh hưởng (do không đủ điều kiện hoặc đang tiếp tục kiến nghị).
 Ngành đường sắt liên tục báo lỗ trong thời gian qua. Ảnh: Công Hùng
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng gần đây, VNR lên tiếng “dự báo lỗ” và “xin hỗ trợ” từ Nhà nước. Trước đó, vào tháng 5, DN này đưa ra con số “dự kiến lỗ” trên 600 tỷ đồng trong năm 2020. Từ đó, VNR đã kiến nghị Nhà nước cho các DN trong ngành được miễn trích nộp ngân sách phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cả năm 2020.
Đã đến lúc ngành đường sắt phải biết “lớn lên”
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó vận tải là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng rất nặng nề.
“Sau khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, hoạt động sản xuất trở lại, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có rất nhiều DN bị ảnh hưởng chứ đâu phải chỉ có đường sắt. VNR là một Tổng công ty. Lâu nay, các tập đoàn, tổng công ty vẫn được coi là “đại gia” mà suốt ngày kêu lỗ và xin hỗ trợ từ Chính phủ, từ Nhà nước thì không nên" - PGS. TS Ngô Trí Long nhìn nhận.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội khẳng định, đã đến lúc ngành đường sắt phải tự “lớn lên” và tự đứng trên đôi chân của chính mình. Nhà nước không thể mãi hỗ trợ và bao cấp cho ngành này được. "Đường sắt phải tự vận động và thay đổi để thích ứng được với quy luật cạnh tranh, cơ chế thị trường hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, đồng thời khẳng định, muốn ngành giao thông nói chung đường sắt nói riêng phát triển được thì phải trả lại đúng quy luật cạnh tranh của thị trường.

Sản lượng toàn ngành đường sắt đạt được trong 6 tháng là 3.087 tỷ đồng, bằng 78,6% cùng kỳ; doanh thu đạt 3.023 tỷ đồng, bằng 80,6% cùng kỳ. Trong đó, công ty mẹ doanh thu điều hành giao thông vận tải thực hiện 823,8 tỷ đồng, bằng 75,9% cùng kỳ. Tính từ tháng 2 - 5/2020, VNR đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần