Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục lạm thu gần 185 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2012, Bộ GD-ĐT và nhiều đại học đã thu vượt mức quy định nhiều khoản học phí, lệ phí lên đến trăm tỷ đồng. Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo của Kiểm toán nhà nước ngày 25/7.

Theo kết quả kiểm toán thu ngân sách năm 2012 được Kiểm toán Nhà nước công bố, một số đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương đã thu vượt mức quy định về phí, lệ phí với nhiều khoản không có trong quy định.

Ngành giáo dục lạm thu gần 185 tỷ đồng - Ảnh 1

Điển hình là Bộ GD-ĐT thu vượt học phí 38,8 tỷ đồng, lệ phí tuyển sinh gần 13 tỷ đồng, thu vượt học phí sau đại học gần 15 tỷ đồng, kinh phí đại học không chính quy gần 16 tỷ đồng, đào tạo văn bằng 2 là 3,3 tỷ đồng và học phí đào tạo chính quy 2,6 tỷ đồng.

Bộ Công Thương thu vượt học phí trên 45 tỷ đồng; ĐH Quốc gia TP HCM thu vượt lệ phí tuyển sinh trên 2,6 tỷ đồng, thu vượt học phí 12,2 tỷ đồng, thu cải thiện điểm sai quy định 387 triệu đồng; ĐH Quốc gia Hà Nội thu vượt học phí gần 8,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện việc các cơ quan thu một số khoản ngoài quy định: Bộ GD-ĐT là 103,826 tỉ đồng; Bộ Công Thương gần 59 tỉ đồng; Đại học Quốc gia TP HCM 11,6 tỉ đồng; VKSND Tối cao 184 triệu đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội 1,32 tỉ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các khoản thu ngoài quy định phổ biến như thu tiền làm thẻ sinh viên, tiền khám sức khỏe, bảo vệ luận văn, tốt nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành 3 thuộc Kiểm toán Nhà nước, cho biết việc thu vượt, thu ngoài khá phổ biến tại các trường và diễn ra nhiều năm nay.

Về nguyên nhân các trường thu vượt quy định, theo ông Tân, xuất phát từ mức học phí hiện nay khá thấp. Trong giai đoạn năm 2012 học phí chỉ khoảng 350.000 - 450.000 đồng/ sinh viên/ tháng, trong khi vẫn phải trích lại 55% cho tạo nguồn cải cách tiền lương và học bổng nên chỉ còn 45%.

Do vậy, số tiền còn lại để chi cho hoạt động giáo dục đào tạo không còn nhiều nên một số trường đã thu mức thu tăng lên. Qua kiểm toán cho thấy khoản thu tăng thêm đều có thông báo công khai, minh bạch.

“Các khoản này thực chất là thu hộ, chi hộ sinh viên. Kiểm toán đã kiểm tra kỹ xem có được công khai không thì thấy hầu hết công khai, tiết kiệm. Một số ít khoản thu bất hợp lý thì chúng tôi đã kiến nghị chấm dứt. Khoản hợp lý thì đề nghị các trường công khai” - ông Nguyễn Văn Tân cho biết.

Cũng theo ông Tân, cơ quan này từng đặt ra vấn đề hoàn trả lại khoản thu vượt và thu sai cho người học, nhưng vì số tiền với mỗi học sinh không lớn, trong đó nhiều em đã ra trường nên có thể chi phí trả lại còn lớn hơn số tiền đã thu. Các bộ ngành đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được đồng ý về việc được chuyển số tiền thu sai này sang quỹ phát triển sự nghiệp giáo dục.