Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục Mỹ rúng động vì gian lận điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vụ bê bối liên quan đến căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục tại Mỹ cho thấy, ngoài vướng mắc về nợ công, cắt giảm ngân sách, tăng trưởng, việc làm, quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về xã hội.

Đầu tuần qua, vụ việc Bồi thẩm đoàn bang Georgia chính thức buộc tội 35 giáo viên và quản lý học đường tại các trường công ở TP Atlanta vì thông đồng gian lận điểm số cho học sinh đã một lần nữa gây rúng động dư luận.

Đây là một trong những bê bối gian lận lớn nhất của hệ thống giáo dục công tại Mỹ và được cho là đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Vụ bê bối giáo dục ở Atlanta bắt đầu từ năm 2001, kéo dài trong suốt 10 năm khi loạt bài điều tra của tờ The Atlanta Journal - Constitution đăng tải hơn hai năm trước cho thấy, điểm số tại một số trường học công ở Atlanta đã tăng lên đến mức không thể lý giải nổi.
 
 
Ngành giáo dục Mỹ rúng động vì gian lận điểm - Ảnh 1
 
Bệnh chạy theo thành tích của giáo dục Mỹ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.    
 

Sau đó, số trường tiểu học và trung học tại Atlanta có liên quan đến vụ gian lận để cải thiện thành tích thi cử của học sinh lên tới con số 44, với 180 giáo viên bị điều tra. Nhiều giáo viên, thậm chí cả hiệu trưởng đã giúp học sinh gian lận để đạt điểm cao trong các cuộc kiểm tra năng lực được chuẩn hóa hoặc tự tay sửa các câu trả lời sai trong những bài thi, trước khi chuyển chúng tới bộ phận chấm điểm.

 Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng gian lận không chỉ xảy ra tại Atlanta khi các vụ bê bối sửa điểm vì bệnh thành tích đã bùng nổ tại Mỹ trong những năm gần đây. Trong các kỳ thi cấp bang ở các TP Baltimore, Philadelphia, New York, Los Angeles, Miami, Orlando và ngay tại thủ đô Washington, giáo viên cũng tìm mọi cách để nâng điểm số giúp học sinh.

Nhiều nhà giáo dục Mỹ từ lâu lên tiếng báo động về tệ nạn gian lận trong thi cử và nhiều lần yêu cầu, thậm chí, tổ chức đình công để yêu cầu cải cách giáo dục. Việc đánh giá chất lượng giáo viên dựa trên điểm số học sinh trong các kỳ thi chuẩn hóa dễ phát sinh tiêu cực và bệnh thành tích.

Một số bang còn thưởng cho các giáo viên giúp học sinh có điểm thi chuẩn hóa cao khoản tiền lên tới 25.000USD, trong khi những giáo viên không làm được điều này sẽ bị quy kết không hoàn thành nhiệm vụ và có thể bị mất việc, trường học cũng phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Rõ ràng, bệnh chạy theo thành tích trong ngành giáo dục Mỹ đã để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Một thế hệ học sinh được công nhận đạt chuẩn nhưng vẫn không đáp ứng đủ trình độ, yêu cầu của công việc, làm giảm sức cạnh tranh của lực lượng lao động Mỹ trên thị trường quốc tế, thậm chí làm giảm sự cạnh tranh ngay trên chính nước Mỹ khiến tỷ lệ thất nghiệp trở nên trầm trọng hơn.

 
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 2/4, một thượng nghị sĩ bang New York (Mỹ) của đảng Dân chủ đã bị bắt vì các cáo buộc hối lộ nhằm tham gia cuộc đua vào vị trí Thị trưởng TP New York. Ngoài ra, còn có 5 chính trị gia khác cũng bị bắt và buộc tội nhận hối lộ tập thể hơn 100.000 USD trong các cuộc gặp ở nơi đỗ xe, khách sạn... nhằm dàn xếp cho cuộc bầu cử thị trưởng đầu tiên của TP New York trong hơn một thập niên.