Ngành kế hoạch đầu tư tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành kế hoạch đầu tư tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân đầu tư công; Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới; đổi mới sáng tạo để tiếp tục thực hiện linh hoạt hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tích cực tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Chiều 8/1, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 5 năm (2016 - 2020), bối cảnh thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, ngành KH&ĐT nói chung và Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, đề ra phương châm hành động, tham mưu cho Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới và cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Quang cảnh hội nghị

Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được Bộ KH&ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình và bảo vệ thành công trước Quốc hội 6 đạo luật quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước…

“Việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao đã góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 5 năm qua, khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong giai đoạn vừa qua là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự liên tục và đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý nhà nước có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực được Chính phủ giao, phạm vi quản lý rộng, khối lượng công việc phải triển khai thực hiện rất lớn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Về công tác quản lý đầu tư công, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 để làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ từng bước cơ cấu lại đầu tư công; từng bước triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả hơn toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư đến lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư; thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những năm vừa qua Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đặc biệt, việc thực hiện các giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, ước giải ngân đến ngày 31/12/2020 đạt 82,8%. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể hóa tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chủ động tham gia cuộc CM4.0, nhằm khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đồng thời, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược quốc gia về CM4.0 tại Việt Nam; chủ trì xây dựng Mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về cuộc CM4.0 với việc công bố sáng kiến “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”,...

13 nhiệm vụ chính ngành kế hoạch đầu tư

Nhiệm vụ năm 2021, Bộ KH&ĐT tập trung vào 13 nhiệm vụ chính. Theo đó, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai chương trình, kế hoạch, các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội ngay sau khi được thông qua để triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021, trong đó, cần tập trung vào các đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xây dựng, hoàn thiện các báo cáo về: Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn;

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh;

Tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết kiến nghị cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Thực hiện tốt chủ trương huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn. 

Phối hợp hiệu quả các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách để sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. 

Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Phối hợp xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác thị trường nội địa và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, triển khai chế độ báo cáo, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến. Khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành.

Phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Đẩy nhanh việc lập và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Tham gia triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 của Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần