Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành may: Hơn 70% công nhân bị stress

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thạc sĩ Trịnh Hồng Lân, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, cho biết, 71% công nhân bị stress nghề nghiệp dưới nhiều mức độ khác nhau.

KTĐT - Thạc sĩ Trịnh Hồng Lân, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, cho biết, 71% công nhân bị stress nghề nghiệp dưới nhiều mức độ khác nhau. Nhóm công nhân trẻ bị stress cao hơn hẳn nhóm có tuổi đời trên 30.

Khảo sát do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM thực hiện trên 1.000 công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM cho thấy, hơn 2/3 số công nhân may bị stress.

Tình trạng stress càng nặng nề hơn vào những ngày cận Tết, khi quá nhiều điều khiến người lao động nghèo phải âu lo.

Công nhân “U30” dễ bị stress

Thạc sĩ Trịnh Hồng Lân, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, cho biết, 71% công nhân bị stress nghề nghiệp dưới nhiều mức độ khác nhau. Nhóm công nhân trẻ bị stress cao hơn hẳn nhóm có tuổi đời trên 30; công nhân non tuổi nghề cũng bị stress nhiều hơn. Những công nhân lớn tuổi là những người từng trải, có kinh nghiệm sống, quen với công việc khó khăn và thường có xu hướng thích ổn định nên ít bị stress hơn.

Trong số những công nhân bị stress có đến 64% bị mất hứng thú do công việc không hấp dẫn. Nghề may công nghiệp vốn khá đơn điệu, lao động triền miên và cũng không có thu nhập cao. Do đó, nhiều công nhân may không ổn định tư tưởng, hay nghỉ hoặc “nhảy” việc để kiếm nơi có thu nhập cao hơn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng biến động rất lớn về lực lượng lao động ngành may.

Ngoài ra, nhóm công nhân làm việc ở công ty nước ngoài bị stress đến 86%, cao hơn 20% so với công nhân của các công ty Việt Nam do chế độ làm việc ở các công ty nước ngoài thường căng thẳng và chặt chẽ hơn nhiều.
 
Cần lắng nghe người lao động

Theo thạc sĩ Hồng Lân, ngành may công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với một lực lượng lao động lên tới hàng triệu người. Do đó, cán bộ quản lý, nhân viên y tế công ty nên tìm hiểu kỹ hơn về tâm tư, nguyện vọng của người lao động, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao… để ổn định tâm lý người lao động, không làm giảm năng suất lao động.

Trước thực trạng trên, ông Trần Hảo Trí, Bí thư Đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX)TP HCM, cho biết từ tháng 12/2009 đã phối hợp cùng một số KCN tổ chức chiếu phim miễn phí phục vụ công nhân. Mục đích là cải thiện phần nào đời sống tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng, nhất là trước áp lực khá lớn từ công việc, lương thưởng. Đồng thời, từ ngày 28/1, chương trình lễ hội đón xuân cũng được Đoàn Thanh niên phối hợp cùng Văn phòng Ban Quản lý thực hiện dành cho các công nhân không có điều kiện về quê đón Tết.

Ban quản lý các KCX - KCN TP HCM (Hepza) cho biết đang triển khai nhiều chương trình chăm lo Tết 2010 cho công nhân, như tặng 5.500 vé xe cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết. Song song, Quỹ Hỗ trợ công nhân cũng tặng 2.000 vé tham quan tại các khu vui chơi trong ba ngày Tết; tặng 1.500 phần quà (300.000 đồng mỗi phần) cho công nhân khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cũng sẽ bán hàng giảm giá 10% - 50% cho công nhân tại các KCX - KCN. Ngoài ra, 600 công nhân tiêu biểu nhưng không có điều kiện về quê đón Tết cũng sẽ được tham gia chương trình “Vui Tết cùng công nhân” tại KCX Linh Trung ngày 11/2 do Hepza và Quỹ Hỗ trợ công nhân phối hợp tổ chức.