Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành nào được Chính phủ bảo lãnh đi vay nhiều nhất ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết 31/12/2015, số tiền được Chính phủ cam kết bảo lãnh cho các DN trong nước đi vay đã lên đến xấp xỉ 26 tỷ USD.

Con số này vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo về việc bảo lãnh vay nợ cho các dự án, chương trình trong năm 2015. Cụ thể, đến hết năm 2015, Chính phủ đã cam kết bảo lãnh cho các DN vay số tiền là 25,98 tỷ USD. Trong đó, chỉ có 4,1 tỷ USD là đến từ các tổ chức tín dụng trong nước, còn nguồn từ những tổ chức quốc tế chiếm đến xấp xỉ 84% khi ở mức 21,8 tỷ USD.

Được biết, nếu như trong giai đoạn 2007 – 2010, số tiền được Chính phủ cam kết bảo lãnh chỉ là 5,7 tỷ USD thì quãng thời gian từ 2011 – 2015 con số này đã tăng gấp gần 3 lần lên tới 15,6 tỷ USD. Số tiền được vay trong 5 năm trở lại đây được dành cho 35 chương trình và dự án khác nhau và hầu hết là di vay từ nước ngoài, khoảng 14 tỷ USD.

 
EVN đang được Chính phủ bảo lãnh đi vay nhiều nhất
EVN đang được Chính phủ bảo lãnh đi vay nhiều nhất
Tuy nhiên, trong số các DN được Chính phủ cam kết bảo lãnh vay, chiếm đa số là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Còn điện là ngành có nhiều dự án được sử dụng khoản tiền dạng này nhất khi con số bảo lãnh đã lên đến hơn 15,9 tỷ USD. Riêng trong năm 2015, đã có 4 dự án điện được bảo lãnh vay với tổng giá trị gần 2,1 tỷ USD.

Cùng với đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang dẫn đầu về số tiền được bảo lãnh với hơn  9,7 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đứng tiếp theo với 2,4 tỷ USD, kế đó là Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam với hơn 647 triệu USD...

Bộ Tài chính cho biết lĩnh vực điện chưa có trường hợp nào bị chậm trả nợ dẫn đến Bộ phải hỗ trợ. Nhưng trong giai đoạn tới, Bộ này đề nghị nếu EVN và PVN tiếp tục có nhu cầu được Chính phủ bảo lãnh huy động vốn, Quốc hội cần xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho lĩnh vực này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Hiện tại, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đã chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP, trong khi đó mục tiêu được đề ra tới năm 2020 con số này chỉ ở mức 15,6% và 10%. Để làm được điều này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, từ năm 2017 tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Đối với dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, cần tăng cường thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định của luật Quản lý nợ công.