“Ngành nông nghiệp Hà Nội đã có một năm kiên cường”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã nhấn mạnh như trên khi nhắc đến những kết quả nổi bật mà ngành NN&PTNT Hà Nội đạt được trong năm 2019.

Chiều 9/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện nhiều sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thuỷ lợi... 
Năm 2019, ngành nông nghiệp Thủ đô đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thứ, đặc biệt làdịch tả lợn châu Phi xâm nhập và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội, cùng cố gắng, nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và bà con nông dân, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được những kết quả khả quan. 
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 36.444 tỷ đồng, bằng 99,47% so với năm 2018. Dù chăn nuôi lợn bị sụt giảm nghiêm trọng do dịch tả châu Phi, tuy nhiên, các nhóm ngành khác đều tăng trưởng tương đối tốt. So với năm 2018, tổng đàn bò tăng 1,3%; đàn gia cầm tăng 15,8%. Sản lượng thuỷ sản tăng 6,3%.
 Quang cảnh Hội nghị 
Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Thủ đô đã chuyển đổi theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Đến nay, Hà Nội duy trì 154 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung; 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh; 18.800 ha cây ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao: cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, nhãn chín muộn…
Toàn TP hiện có 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tiếp tục nhân rộng 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm.
Trong năm 2019, TP có thêm 31 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đưa tổng số xã nông thôn mới trên địa bàn Thành phố là 356 xã, đạt 92,2%; có thêm 2 huyện Quốc Oai và Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 6 huyện. Hiện, TP đang chỉ đạo 2 huyện, thị xã: Sơn Tây, Thạch Thất hoàn thiện các hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Biểu dương những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua, coi đây là thành tích của một nỗ lực lớn, thậm chí là rất kiên cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản và giết mổ còn hạn chế. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng, diễn ra đại hội các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ TP là thứ XVII. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, TP đã giao chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp là trên 3,0%. Theo đó, ngành NN&PTNT cần xây dựng các chương trình, các kế hoạch, các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra. 
Nhiệm vụ trước mắt là tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện phương án chống hạn vụXuân 2020. Lắp đặt các trạm bơm dã chiến để lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân trong điều kiện hạn nặng, mực nước trên hệ thống sông Hồng ở mức thấp. Thực hiện đồngbộ các biện pháp kỹ thuật, nhất là tưới tiết kiệm nước. 
“Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính thống nhất hỗ trợ các doanh nghiệp thuỷ lợi trong việc cấp nước, cũng như bảo đảm chế độ cho người lao động…” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị. 
Các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chuyển đổi cơ cấy cây trồng,vật nuôi. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tiếp tục kiên trì trong không chế dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với ngành nông nghiệp năm 2020. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần