Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành nông nghiệp Hà Nội phải có ý tưởng đột phá để phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ngày 17/6.

Hà Nội hiện có 407 xã, thị trấn, dân số gần 3,8 triệu người, trong đó có khoảng 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó 59%  là lao động nông thôn).

Tính đến năm 2013, TP có 50 xã nông thôn mới (NTM), chiếm gần 30% tổng số 184 xã NTM  toàn quốc; phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM; đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 73.000 ha, đạt 96% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2014, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng 2,5% so cùng kỳ 2013, với giá trị sản xuất ước đạt 16.888 tỷ đồng (giá cố định) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.

 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu vốn phục vụ các công trình cấp bách. Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ kiến nghị TP cho phép tạm ứng 500 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện, thị xã triển khai đầu tư thủy lợi, phục vụ cho dồn điền đổi thửa và xây dựng NTM; bố trí khoảng 200 tỷ đồng xử lý 16 công trình cấp bách về thủy lợi, đê điều; bổ sung cho các công trình ưu tiên gồm: Các trạm cấp nước sạch tập trung liên xã, công trình thuộc dự án hỗ trợ bể lọc xử lý nước hộ gia đình, Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích…

Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao những nỗ lực của ngành NT&PTNT trong thực hiện 3 nhiệm vụ trọng yếu của nông nghiệp nông thôn là: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển dịch cơ cấu nâng cao giá trị sản xuất; đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác phòng chống lụt bão (PCLB).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch TP sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn rất nhiều hạn chế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chưa tạo được hàng hóa thương hiệu mới, chất lượng cao trong nông lâm thủy sản, chậm xây dựng và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Hạ tầng nông nghiệp nông thôn, thủy lợi, đê điều chưa đồng bộ, còn yếu và thấp kém. Hạn hẹp về nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp nông thôn, PCLB. Thiếu chiến lược, định hướng và  QH trong đào tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Thời gian tới, Chủ tịch đề nghị ngành nông nghiệp, tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu, xuyên suốt trước mắt và lâu dài. Đó là: Khai thác phát huy lợi thế tiềm năng về KHCN, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh Thủ đô. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, QH mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản; tập trung đào tạo giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức KHCN ứng dụng vào sản xuất.

Sở NN&PTNT cần chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất TP xây dựng cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng xã hội hóa nguồn lực đầu tư xử lý rác thải và nước sạch. Đồng thời, sớm tiến hành sơ kết đánh giá đầy đủ chính xác kết quả xây dựng NTM để phát huy những cách làm hiệu quả, khắc phục yếu kém để có bước đi vững chắc hơn. Một giải pháp mang tính quyết định, đột phá được Chủ tịch TP nhấn mạnh là phải rà soát tổ chức bộ máy của chính ngành nông nghiệp gắn với nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm kỷ cương cán bộ công chức để đáp ứng nhu cầu của ngành. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tâp trung vào công tác phòng chống dịch bệnh và PCLB, bảo vệ tốt vụ mùa, chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ đông.

Tới đây cùng với những chính sách mạnh tay thì ngành nông nghiệp phải có ý tưởng đột phá, tạo ra hàng hóa mới có thương hiệu, tạo ra thị trường nông nghiệp rõ nét hơn để thu hút các nguồn lực trong xã hội phát triển nông nghiệp.