Trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tham nhũng và kê khai tài sản cán bộ hiện nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc kê khai tài sản được thực hiện từ năm 2008 đến nay, có kê khai lần đầu và bổ sung cho đối tượng phát sinh, tài sản thu nhập, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn.
Năm 2012, có trên 98% đối tượng được kê khai. Đến nay có 106 đơn vị đã hoàn thành việc kê khai. Có trên 919 ngàn đối tượng kê khai. Việc công khai tăng 38% so với năm 2013. Có 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực bị xác minh lại. Có 88 cán bộ bị xử lý vì kê khai không trung thực và chậm kê khai. Việc kê khai có tác dụng công khai tài sản của các đối tượng quản lý. Các cơ quan nắm được tài sản cán bộ mình quản lý.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cụ thể: Năm 2011 phát hiện 150 vụ, 320 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 267,4 tỷ đồng 9,4ha đất; đã thu hồi 79,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 134 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 159 người; xử lý trách nhiệm 32 người đứng đầu. Năm 2012: phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104,59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 02 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu. Năm 2013: phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng; xử lý trách nhiệm 41 người đứng đầu.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện Luật Phòng Chống tham nhũng có 4 giải pháp phòng ngừa tích cực, 2 giải pháp trung bình, 3 giải pháp kém. Vừa qua, việc xây dựng thể chế chính sách được các cơ quan thực hiện chặt chẽ hơn. Chương trình dân hỏi, Bộ trưởng trả lời có hiệu quả tích cực. Kiểm soát thủ tục hành chính gắn với thi hành công. Trong thời gian tới, Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu tiếp sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm kê, kê khai tài sản; xiết chặt kỷ cương trong cơ quan Nhà nước; tăng công khai, minh bạch.
Về việc xử lý tham nhũng thấp có nguyên nhân các quy định pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ trong thu hồi tài sản. Ý thức giao nộp tài sản chưa cao, chế tài chưa mạnh. Cần có giải pháp đồng bộ, có chế tài mạnh trên quy định của pháp luật, có nguyên tắc thu hồi tài sản. Cần phối hợp với các cơ quan chức năng, thu hồi tài sản trong tham nhũng và từ các tiêu cực khác. Tăng cường hiệu quả của lực lượng thi hành án.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân chính, đó là: Trách nhiệm người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa quyết liệt, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành Thanh tra được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Trong 3 năm qua (2011-2013), ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 cán bộ, công chức. Trong đó: Xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng.
Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ ba).
ĐB Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi với Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát, Tòa án ND tối cao, vừa qua, chúng ta đã xử nhiều đại án tham nhũng như vụ án Nguyễn Đức Kiên - vụ án lớn trong ngành ngân hàng. Vụ án này còn ý kiến khác nhau. Đề nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các mức án đã tuyên đã nghiêm minh, đủ tính răn đe trong phòng chống tội phạm và tham nhũng chưa? Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, vụ xử lý Nguyễn Đức Kiên thuộc thẩm quyền của cơ quan truy tố, xét xử.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB Sơn, theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, vụ án Nguyễn Đức Kiên đã xét xử sơ thẩm, xét xử theo hình thức tranh tụng để xử lý đúng người, đúng tội. Việc xét xử, kết án với người phạm tội qua Hội đồng xét xử độc lập. Tòa án ND TP Hà Nội đã tuyên bị án Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù với 4 tội danh. Đây là trường hợp phạm nhiều tội và đã tuyên ở mức cao nhất. Hội đồng xét xử cũng đã tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải nộp hơn 75 tỷ đồng; yêu cầu xem xét trách nhiệm của nhiều trường hợp khác. Tòa án Nhân dân Tối cao tôn trọng kết quả của Hội đồng xét xử, nếu bị cáo kháng án, Tòa án ND Tối cao sẽ xem xét tiếp theo quy định của pháp luật.
Vấn đề với việc xử lý 528 vụ việc dây dưa, kéo dài; có vụ việc lên tới trên 30 năm ở phía Nam và 40 năm. Từ cuối 2012 đến nay đã giải quyết 492 vụ, hiện còn 38 vụ rất phức tạp… Tổng thanh tra Chính phủ cho biết sẽ rút kinh nghiệm xử lý từ những vụ việc tồn đọng trên. Ngành thanh tra đã đưa ra mục tiêu thực hiện quyết liệt, tạo sự đồng thuận chính trị. Trong thời gian tới, ngành thanh tra sẽ tiếp tục rà soát, tập trung giải quyết khiếu nại tồn đọng gắn với giải quyết khiếu nại thường xuyên.
Nói về có hay không việc xử lý không thống nhất, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 3 năm gần đây các vụ khiếu nại, tố cáo giảm nhưng có nhiều vụ phức tạp, manh động. Nguyên nhân do chính sách có nhiều bất cập, việc giải quyết của các cấp chính quyền chưa thấu đáo, kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đầy đủ, có tâm lý khiếu nại càng cao càng tốt, gây vượt cấp, bức xúc…
Theo Tổng Thanh tra, qua 3 năm 2011-2013, có 60% khiếu nại, tố cáo sai, 20% có đúng có sai và 20% đúng. Khiếu nại vượt cấp nhiều. Tới đây phải tuyên truyền pháp luật đến người dân về việc thực hiện khiếu nại tố cáo; tổ chức tiếp dân, đối thoại; tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hạn chế khiếu nại sai.
Kết thúc phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời chất vấn rộng, sâu, rất thẳng thắn về công tác cán bộ, tiền bạc, tài sản. Câu hỏi của đại biểu trọng tâm vào 3 nhóm vấn đề đã nêu ra.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc cấp bách, lâu dài, đã có giải pháp về thể chế, thực hiện chỉ đạo, có sự tham gia của toàn dân và phương tiện đại chúng. Các cơ quan tư pháp cũng đã vào cuộc, xử lý nghiêm túc.
Tuy nhiên, kết quả đạt được so với tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Nhân dân yêu cầu, nhằm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Việc xử lý khiếu nại của Nhân dân tồn đọng đã được Thanh tra Chính phủ và các ngành, địa phương phối hợp giải quyết tích cực, nhưng vẫn còn tồn đọng.
Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời các đại biểu Quốc hội.
|
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ.
|