Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành thuế còn thiếu cán bộ tinh thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của ngành thuế là đến năm 2020 có ít nhất 80% người nộp thuế (NNT) hài lòng với các dịch vụ của cơ quan thuế, đạt nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN trong xếp hạng mức độ thuận lợi, giảm chi phí cho NNT…

Ngành thuế còn thiếu cán bộ tinh thông - Ảnh 1Để đạt được mục tiêu chiến lược này, một trong những yêu cầu bức thiết là ngành thuế phải có được những cán bộ thuế có nghiệp vụ tinh thông, có phẩm chất đạo đức… Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam bên lề Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế” diễn ra ngày 21/6 tại Hà Nội.

Đối với ngành thuế, bên cạnh cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) còn phải cải tạo nền tảng cơ quan thuế sao cho ngang bằng khu vực. Bà có chia sẻ với quan điểm này?

- Trong cải cách lĩnh vực thuế có cải cách về thể chế và cải cách quản lý. Về thể chế, chúng ta có thể bổ sung, nghiên cứu để đưa ra luật, nghị định, thông tư, sửa đổi chính sách. Tuy nhiên, về cơ bản để cải cách ngành thuế thì cần phải tập trung cải cách hệ thống quản lý thuế trong đó bao gồm có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, và con người thực hiện.

Vừa rồi, ngành thuế thực hiện nhiều cải cách, có nhiều thông tư được Bộ Tài chính sửa đổi và thực hiện trong vòng 6 ngày. Nhưng vấn đề là cơ sở hạ tầng lại chưa kịp đáp ứng. Ví dụ, trong Thông tư 92/2015/TT-BTC về thu nhập cá nhân, phần mềm tiền lương tiền công là theo biểu kê khai 02, nhưng nay lại đưa về phần mềm quyết toán thuế 2015 và bây giờ quyết toán đến 31/3/2016 thì vẫn là theo tờ khai 09. Điều này có nghĩa phần mềm chưa đáp ứng kịp thời đổi mới về thể chế.

Theo công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) trên lợi nhuận DN đang ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%. Tỷ lệ này gấp đôi mức đóng ở Singapore và gấp rưỡi mức đóng tại Thái Lan. Vì sao DN Việt phải chịu mức nộp cao như vậy?

- Tỷ suất nộp thuế trên lợi nhuận của DN gồm 2 yếu tố là khoản nộp thuế và các khoản nộp bảo hiểm bắt buộc. Trong năm 2014, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ suất đó là 35%, thuế là 11%, bảo hiểm là 23%... Đến năm 2016 thì tỷ suất đó nâng lên 39,4%, thuế là 14,5% còn bảo hiểm là 24,8%... Tại sao năm 2016 thuế thu nhập DN đã giảm từ 22% xuống 20% nhưng tỷ suất tăng đến gần 40%? Nguyên nhân là do hiệu quả kinh doanh của DN chưa tốt vì tính tổng thu trên hiệu quả kinh doanh. Nếu lấy mức tỷ suất nộp thuế và bảo hiểm của Việt Nam là 14,5% và năm 2014 là 11% thì mức này vẫn thấp hơn mức bình quân của ASEAN 6. Tuy nhiên, về bảo hiểm thì năm 2014 Việt Nam cao gấp 2 lần khu vực, nay là gấp 2,2 lần. Như vậy, mức đóng bảo hiểm cao làm cho tỷ suất thuế cao.

Muốn cải cách hệ thống quản lý thuế cần phải có những cán bộ thuế có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt. Tuy nhiên, khá nhiều DN vẫn phàn nàn về đội ngũ cán bộ thuế?

- 100% DN được chúng tôi khảo sát đánh giá cán bộ thuế đã có nỗ lực cải cách cả về văn hóa ứng xử và trình độ chuyên môn, nhưng mới dừng lại ở cán bộ cấp Tổng cục, cán bộ quản lý DN lớn, DN nước ngoài. Và số cán bộ quản lý này chỉ chiếm 30%. Còn lại 70% cán bộ quản lý hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ lại chưa đáp ứng về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, am hiểu về chuyển giá… Rõ ràng, cơ cấu tổ chức cán bộ, đội ngũ quản lý thuế là chưa đồng đều. Ngoài ra, nhiều nội dung được quy định trong văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhưng cán bộ thuế cấp xã/phường chưa nắm được nên lúng túng, gây khó khăn cho NNT.

Những người sát sườn DN là cán bộ thuế xã/phường còn yếu. Chúng ta có khoảng 500.000 DN nhưng số hộ kinh doanh nộp thuế là trên 1,5 triệu. Như vậy, số cán bộ thuế tiếp xúc với 1,5 triệu hộ kinh doanh nộp thuế nhiều hơn. Do đó, đào tạo nâng cao trình độ quản lý cán bộ thuế, đặc biệt cán bộ quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh là nhu cầu bức thiết. Làm sao để họ tinh thông nghiệp vụ và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là vấn đề mà ngành thuế phải giải quyết.

Xin cảm ơn bà!