Hoàn thiện thể chế, chính sách, tiếp tục là vấn đề được lãnh đạo ngành Xây dựng đặt lên hàng đầu trong năm nay để nâng cao chất lượng phát triển đô thị...
17.000 doanh nghiệp thua lỗ
Trong năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cuối năm 2011 nhưng các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Các doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển nhưng không đủ chuẩn, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay.
Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất... Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động cầm chừng, lượng tồn kho lớn. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư. Các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới cũng như trong thực hiện các công trình dở dang, công nợ tại các công trình rất lớn.
Do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trong ảnh: Công trình xây dựng nhà ở tại Mỗ Lao, Hà Đông. Ảnh: Quỳnh Linh
Việc thiếu vốn và nợ đọng tại các công trình đã gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động. Tính đến 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS có lãi là 37.197 doanh nghiệp; số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp; Tổng số các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637 doanh nghiệp, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh BĐS. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh BĐS giải thể tăng 24,1%.
Gỡ từ chính sách
Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài liên tiếp 3 năm (2009 - 2012), số liệu tồn kho tính đến hết năm 2012 là 10.108 căn hộ chung cư, 1.131 căn nhà thấp tầng, 34.282m2 đất nền. Tình hình ở Hà Nội có phần "khả dĩ" hơn với lượng hàng tồn kho là 2.392 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng. Những ngày tháng "đen tối" của thị trường BĐS xuất phát từ sự phát triển ồ ạt, thiếu sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Năm 2012 đã qua nhưng những khó khăn vẫn còn ở lại với ngành Xây dựng. Để tháo gỡ dần những vướng mắc, đẩy lùi những khó khăn, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đã được ngành Xây dựng xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về nhà ở xã hội sẽ được Chính phủ ban hành. Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong năm 2012 và đầu năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự đổi mới cả về tư duy và quan điểm xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi mang tính căn bản trong thời gian tới. Riêng với thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã xác định mục tiêu của năm nay là phát triển đồng bộ các dịch vụ như: Tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, đăng ký giao dịch BĐS... tạo môi trường lành mạnh, an toàn pháp lý cho các giao dịch BĐS, phòng ngừa tranh chấp và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội sẽ là một giải pháp quan trọng, vừa góp phần làm ấm lại thị trường BĐS, vừa giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở.
Thị trường BĐS phát triển thiếu kiểm soát, thừa dự án nhưng thiếu công trình hạ tầng, thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp hay tình trạng đô thị phát triển không đồng đều, ách tắc... nguyên nhân, do văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bỏ sót, khập khiễng, không theo kịp yêu cầu thực tế. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |