Ngập lụt ngoại thành Hà Nội: Tìm giải pháp cho vùng rốn lũ

Hồ Hạ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lũ chồng lũ, Chương Mỹ những ngày này đang phải đối chọi với trận lụt lịch sử khi mực nước sông Bùi cao 7,5m, vượt 0,5m so với đỉnh lũ năm 2008.

Bài 2: Ấm áp tình người ngày lũ
TP Hà Nội quyết không để người dân vùng lũ bị đói, khát, những xe chở lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm nối đuôi nhau chi viện cho các xã bị lụt. Tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” hiện hữu rõ hơn bao giờ, hơi ấm tình người lan tỏa, xóa nhòa những nhọc nhằn, đau thương.
Đội nắng, mưa đắp đê

Thời tiết ở vùng rốn lũ Chương Mỹ những ngày này thật khắc nghiệt, nắng rát vào ban ngày và mưa xối xả vào ban đêm. Nhưng không vì thế mà công tác hộ đê bị đình trệ. Quang cảnh đê Tả Bùi có lẽ chưa bao giờ đông đúc, tấp nập đến thế. Các chiến sĩ cùng bà con ai nấy mồ hôi nhễ nhại, người xúc cát vào bao tải, người vác lên vai, người khiêng lên xe bò để chở đi gia cố đê bao. Trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một chiến sĩ trẻ trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang 590 cho biết: “Tôi đang trong thời gian trực hè tại trường. Khi có lệnh điều động tăng cường hộ đê tả Bùi, tôi lập tức nhận nhiệm vụ cùng các đồng đội”.
 Hoạt động khám, phát thuốc miễn phí cho người dân thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Hồ Hạ
Được biết, gần 2 tuần qua, Công an huyện Chương Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, ban ngành, đồng thời chỉ đạo Ban Công an các xã chủ động phương án hộ đê, ngăn nước, di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm. Bên cạnh lực lượng công an, còn có sự hỗ trợ của gần 100 cán bộ, chiến sĩ trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang 590 đã về giúp Nhân dân xã Thanh Bình gia cố đê bao tả Bùi chống tràn từ đêm 29 - 31/7. Dự báo trong những ngày tới nước rút chậm nên công an sẽ tiếp tục tập trung lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực này, đồng thời phối hợp với các ban, ngành tổ chức cứu trợ cho người dân vùng bị chia cắt. Không chỉ giúp dân vùng lũ hộ đê, lực lượng công an còn thường xuyên tổ chức tuần tra đường thủy, cứu giúp những người có nguy cơ đuối nước. Gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Lý, 65 tuổi, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến không may bị rơi xuống nước được Công an huyện Chương Mỹ giải cứu.

Ngày 26/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trích từ Quỹ “Cứu trợ” TP Hà Nội 500 triệu đồng để hỗ trợ Nhân dân huyện Chương Mỹ. Cùng ngày, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã tiếp nhận 300 thùng nước uống đóng chai do Cocacola trao tặng. Đây là chuyến hàng do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vận động các DN chung tay hỗ trợ bà con vùng ngập lụt.

Trắng đêm canh lũ

Cùng các chiến sĩ xúc cát cho vào bao, bà Tám (xã Trung Hòa) cho biết: “Từ trước đến nay, mặc dù đã nhiều lần bị ngập nhưng chưa thấy mực nước sông Bùi dâng cao đến vậy. Nhà tôi chỉ cách đê tả Bùi hơn 100m, thuộc vùng trũng nên vừa qua đã mất vài sào ruộng, hiện gia đình đang lo nước tràn vào nhà. Đêm nào tôi cũng trằn trọc, không thể ngủ được, chốc chốc lại dậy, vừa xem có giúp được gì không, vừa nắm tình hình và chuẩn bị sơ tán ngay trong đêm nếu đê bị vỡ”.

Cùng chung nỗi lo với bà con, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, gần 2 tuần nay, nhiều cán bộ huyện ngủ luôn tại trụ sở để triển khai thực hiện các công việc. “Những ngày này, tôi không sao ngủ được, cứ một lúc lại gọi tới hiện trường nắm bắt tình hình mực nước, nhằm kịp thời ứng phó với những rủi ro, tình huống xấu có thể xảy đến” - ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, nước tại các khu dân cư và đồng ruộng khu vực hữu Bùi rút rất chậm do trên địa bàn có mưa và nước từ Hòa Bình, Thạch Thất, Quốc Oai tiếp tục dồn về. Với phương châm “4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của các xã Thanh Bình, Tốt Động, Trung Hòa, Hoàng Văn Thụ luôn duy trì toàn bộ lực lượng để túc trực dọc tuyến đê tả Bùi qua địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, những ngày qua, chính quyền TP Hà Nội cùng nhiều quận, huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thủ đô đã chung tay sẻ chia khó khăn với bà con vùng lũ. Những xe hàng cứu trợ nối đuôi nhau chi viện cho các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Xuân Mai. Theo chân cán bộ thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến đi phát mì tôm và nến, nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã chứng kiến những tình cảm vô cùng trân quý của quân và dân nơi đây. Một góc xóm lụt đang vắng bỗng chốc đông vui, tấp nập hẳn khi chiếc xe chất đầy hàng hóa đến. Cả người lớn, người già và trẻ con ùa tới với vẻ háo hức, nhưng đều kiên nhẫn chờ tới lượt. Họ tranh thủ hỏi thăm nhau đủ thứ trên đời. Xong xuôi, nhiều người chạy về nhà cất đồ và trở ra với mấy củ khoa hay nắm lạc luộc hoặc “sang” hơn là gói bánh quy chia cho hàng xóm.

Người dân không hề đơn độc

Một miếng khi đói, bằng một gói lúc no, chứng kiến những hình ảnh nhường cơm, sẻ áo lúc khó khăn, họa nạn ấy, chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Dường như, tình quân, dân, tình người ấm áp đã xóa nhòa mọi nỗi đau, mất mát. Bà Đinh Thị Thịnh (thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) xúc động chia sẻ: “Dù lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm, chúng tôi không cảm thấy đơn độc”. Không chỉ tặng quà, ngay sau khi nước lũ tràn về, các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội cùng chính quyền địa phương đã không quản ngại khó khăn, vất vả cùng bà con di chuyển gia súc, gia cầm, các vật dụng có giá trị, thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường… Nhờ đó, người dân cảm thấy an tâm hơn khi đối mặt với thiên tai, bão lũ.
 Sơ tán lợn lên vùng không bị ngập nước. Ảnh: Hồ Hạ.
Giờ đây, người dân vùng rốn lũ mong muốn nước rút thật nhanh để ổn định cuộc sống. Nước sạch, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men cũng rất cần thiết với bà con trong lúc này. Người dân vùng rốn lũ mong được chính quyền, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm thu gom rác thải, khử trùng, vệ sinh môi trường. Sống ở vùng phân lũ, ông Nguyễn Văn Quân (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) luôn sẵn sàng tinh thần “chiến đấu” với “thủy tặc”. Về lâu dài, ông Quân cũng như nhiều người dân mong muốn, Nhà nước sớm nâng cấp đê Hữu Bùi, Tả Bùi để người dân yên tâm sản xuất. Bởi, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là các hộ dân lại nơm nớp nỗi lo sự cố đê điều.

Liên quan đến tình hình ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, phát biểu tại hội nghị giao ban công tác tháng 7 của UBND TP, ngày 31/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Không có chuyện TP thờ ơ với người dân ở đây, mà đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ. Tuy nhiên, các giải pháp để người dân sống chung với lũ từ việc thiết kế về nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm, mặc dù TP đã chủ động. Vì thế, tới đây TP sẽ đề ra các giải pháp bền vững hơn”.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần