Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7): Chính sách an sinh ngày càng đi vào cuộc sống

Bài, ảnh: Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành BHXH đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đảm bảo chính sách BHYT – một trong các chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT không ngừng gia tăng. Tất cả hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95% dân số vào năm 2025.

Lợi ích thiết thực

Dù mới 9 tuổi nhưng bé K.P.T. ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội không may mắc bệnh thể suy tủy xương, suy tủy xương vô căn… Qua 6 lần khám chữa bệnh (KCB), điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Sơn Tây, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chi phí chữa bệnh cho bé T. lên đến hơn 788 triệu đồng. Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, bệnh nhân T. được quỹ BHYT thanh toán hơn 781 triệu đồng theo quyền lợi và mức hưởng trong quy định.

Tương tự, bệnh nhân L.V.H. (63 tuổi) ở xóm 8, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát); bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn; viêm gan virus mạn tính; viêm dạ dày và tá tràng, sốc (choáng) nhiễm khuẩn; sỏi đường mật có viêm túi mật; cơn đau thắt ngực; bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline; suy chức năng và rối loạn khác của tuyến yên. Qua 4 lần khám, điều trị tại BV Đa khoa Tâm Anh, BV Hữu nghị Việt Đức, Phòng khám Đa khoa Yên Viên (Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm), chí phí KCB của bệnh nhân H. lên đến gần 940 triệu đồng. Bệnh nhân H. được quỹ BHYT thanh toán hơn 747 triệu đồng chi phí KCB nhờ tham gia BHYT. “Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để chữa bệnh” - ông H. chia sẻ.
 Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, Hà Nội.
Trường hợp bé T., ông H. chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ BHYT. Từ năm 2020 đến nay, quỹ BHYT đã chi trả cho 67 bệnh nhân nặng có chi phí KCB lên tới cả tỷ đồng. Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua khó khăn do bệnh tật, giảm bớt gánh nặng tài chính. Không chỉ với những căn bệnh đặc biệt mà ngay những căn bệnh thông thường, người có thẻ BHYT cũng được thụ hưởng lợi ích lớn.

Nỗ lực tăng độ phủ BHYT

Nhằm thu hút người dân Thủ đô tham gia BHYT, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng về chính sách BHYT. Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT nâng cao trách nhiệm, xây dựng giải pháp cụ thể, quyết liệt để triển khai có hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT, thường xuyên cập nhật quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chất lượng KCB để đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người dân, giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến T.Ư.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết, tính đến 30/6, Hà Nội có 7.300.029 người tham gia BHYT, tăng 60.935 người so với tháng 12/2020, tăng 327.593 người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90.1% dân số (chỉ tiêu giao năm 2021 là 91,5%). Số lượt KCB BHYT là 4.858.364 lượt với chi phí BV đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho bệnh nhân BHYT khoảng 8.532,9 tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cùng với đó, BHXH phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2020 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2021 là 91,5%, 6 tháng cuối năm 2021, các đơn vị cần phải tăng ít nhất 116.235 người, tương đương mỗi tháng phải tăng ít nhất 16.605 người tham gia.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có trên 65,3 triệu lượt KCB BHYT, với số chi trên 42.000 tỷ đồng (tăng 12%) so với cùng kỳ 2020. “Chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe cho bản thân. Người tham gia BHYT ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT... Số thu BHYT những năm qua có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ nợ đọng cũng có chiều hướng giảm đi theo các năm. Những con số này phần nào minh chứng sự tuân thủ các quy định pháp luật về thực hiện BHYT cũng tốt hơn” – ông Sơn nhấn mạnh.

"Để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT, không có cách nào khác là chúng ta phải phát triển BHYT bền vững, đảm bảo được hai yêu cầu rất cơ bản. Đó là phải bao phủ đến người dân, (BHYT toàn dân) để không ai phải đi KCB mà không có BHYT. Đồng thời, các đơn vị phải bảo đảm bền vững về tài chính, đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn đang tiếp diễn." - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần