Ngày đầu triển khai chốt kiểm soát ra, vào “vùng đỏ”: Kết hợp tuyên truyền quy định mới về giấy đi đường

Công Trình - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 7 giờ sáng 4/9, 39 chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại phân vùng 1 (“vùng đỏ”) trên địa bàn TP Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Cùng với kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào, lực lượng chức năng còn kết hợp tuyên truyền cho người dân quy định mới về giấy đi đường bắt đầu thực hiện từ ngày 6/9 tới.

Người dân ủng hộ
Sau khi khảo sát, Công an TP Hà Nội đề nghị các ban ngành liên quan tổ chức 21 chốt kiểm soát loại 1 đặt tại các vị trí có mật độ giao thông cao, chủ yếu là đoạn tuyến qua các cầu đi vào nội đô như cầu Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long…
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đầu giờ sáng 4/9, dù vẫn trong kỳ nghỉ lễ nhưng trên một số tuyến như: Nguyễn Văn Cừ, Trần Nhật Duật, Võ Văn Kiệt, Đại Cồ Việt… người ra đường khá đông. Các chốt trực có hàng rào kéo dài để kiểm soát phương tiện tránh gây ùn ứ tại chốt.
 Do lượng phương tiện lưu thông đông, lực lượng chức năng tại chốt cầu Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Cừ phải thiết lập hàng rào dài để kiểm tra giấy tờ của người đi đường. Ảnh: Thanh Hải
Tại chốt qua cầu Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Cừ, lực lượng chức năng đã lập rào chắn và phân làn để kiểm tra các phương tiện lưu thông. Do lượng phương tiện đi lại đông nên các chiến sĩ công an phải triển khai nhiều người cùng kiểm tra, không để ùn ứ giao thông.
Tại chốt cầu Mai Lĩnh, vị trí Quốc lộ 6, quận Hà Đông, trong ngày đầu tổ chức, bên cạnh phần lớn người dân đã xuất trình được giấy đi đường và các loại giấy tờ tùy thân kèm theo, vẫn nhiều trường hợp không xuất trình được giấy đi đường theo quy định. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông cho biết: “Bình thường khu vực này không có chốt nên khi đi chợ, tôi chủ quan không mang theo giấy tờ tùy thân mà chỉ có giấy đi chợ”.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trưởng chốt cầu Mai Lĩnh cho biết cho biết, đối với những trường hợp trên, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu người dân nhờ người chuyển các loại giấy tờ cần thiết ra chốt để chứng minh việc ra đường của bản thân là cần thiết. “Trong trường hợp, người dân không xuất trình được các giấy tờ liên quan, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định” - Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết.
 Kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông. Ảnh: Công Trình
Ghi nhận tại chốt cầu Thăng Long, vị trí Đại lộ Võ Văn Kiệt, trong ngày đầu tổ chức, lưu lượng phương tiện qua cầu rất lớn, đa số là xe vận tải hàng hoá “luồng xanh”. Tại đây, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra giấy đi đường, mã QR đăng ký “luồng xanh” đối với 100% người và phương tiện.
Qua kiểm tra, phần lớn người dân đã xuất trình được giấy đi đường và các loại giấy tờ tùy thân kèm theo. Anh Bùi Việt Hưng, trú tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (thuộc vùng 2 - phía Bắc, Đông sông Hồng) chia sẻ: “Công ty tôi nằm trên địa bàn quận Đống Đa (thuộc vùng 1 – “vùng đỏ”). Tôi thấy việc kiểm soát chặt ra, vào “vùng đỏ” là cần thiết để người dân yên tâm hơn, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng”.
Nhắc nhở kết hợp tuyên truyền quy định mới
Theo Công an TP Hà Nội, việc thành lập 21 chốt kiểm soát liên ngành tại các vị trí có mật độ giao thông cao ra, vào “vùng đỏ” là rất cần thiết để kiểm soát, phong tỏa triệt để phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Đồng thời kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết, kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Kiểm soát tại chốt trên Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Ngọc Tú
Ngoài ra, còn có 9 chốt trực do UBND quận, huyện quản lý đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình gồm công an quận, huyện và 9 chốt loại 3 do UBND xã, phường, thị trấn quản lý và công an xã, phường, thị trấn chủ trì thực hiện.
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội nhấn mạnh, việc kiểm soát theo nguyên tắc phân vùng cần phải tập trung cao độ bởi có nhiều nơi mật độ giao thông rất lớn, dễ xảy ra ùn tắc như cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 32…
Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trưởng chốt cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông cho biết cho biết, trong ngày hôm nay các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc giấy đi đường của người dân theo quy định hiện hành. Đồng thời, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng sẽ tổ chức tuyên truyền cho người dân về quy định giấy đi đường mới có hiệu lực từ ngày 6/9.
Tương tự, tại chốt cầu Thăng Long, vị trí Đại lộ Võ Văn Kiệt, trong ngày đầu tổ chức, lượng chức năng cũng tích cực tuyên truyền cho người dân về quy định phân vùng mới của TP cũng như nhắc nhở người dân chuẩn bị giấy đi đường mới theo quy định.
 Kiểm tra giấy đi đường tại chốt cầu Thăng Long, Đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Phạm Hùng
Thị sát chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sáng 4/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, lực lượng chức năng cần tạo thành nhiều lớp để kiểm soát và phân luồng từ sớm, từ xa. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện cần yêu cầu quay đầu ngay, không được để xảy ra ùn tắc. “Lực lượng chức năng cần tuyên truyền sớm để người dân nắm rõ các quy định, từ đó khiến họ tự giác chấp hành” – Bí thư Thành ủy lưu ý.
Theo Công an TP Hà Nội, từ nay đến ngày 6/9, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở và vẫn kiểm tra giấy đi đường theo quy định cũ. Đồng thời, CSGT cũng sẽ thiết lập các phương án để khi chính thức triển khai kiểm soát theo nguyên tắc phân vùng từ 6 giờ ngày 6/9 sẽ không bị động và tránh xảy ra ùn tắc, tập trung đông người.