Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Ngày độc thân" được ưa chuộng ở Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Được khởi đầu bởi sinh viên Nam Kinh vào giữa những năm 1990, ngày này đã được chọn dựa trên sự quan sát bốn chữ số đơn độc của nó: 11/11.

KTĐT - Được khởi đầu bởi sinh viên Nam Kinh vào giữa những năm 1990, ngày này đã được chọn dựa trên sự quan sát bốn chữ số đơn độc của nó: 11/11.

Ngày độc thân ở Trung Quốc đang dần dần trở nên được ưa chuộng ở quốc gia có đông dân số nhất thế giới, nơi tỷ lệ thanh niên khó kiếm bạn đời ngày càng tăng.

Được khởi đầu bởi sinh viên Nam Kinh vào giữa những năm 1990, ngày này đã được chọn dựa trên sự quan sát bốn chữ số đơn độc của nó: 11/11.

Tuy không được biết đến ở hầu hết các nước khác, ngày độc thân dường như ngày càng được ưa chuộng khi nhiều đàn ông độc thân ở Trung Quốc không có khả năng tìm được bạn gái. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, hơn 24 triệu đàn ông Trung Quốc có thể phải chịu cảnh độc thân vào năm 2020.

Ngày độc thân được kỉ niệm dưới nhiều hình thức và cũng giống như lễ Giáng sinh và ngày Valentine, nó đã trở thành một ngành công nghiệp triệu đô.

Fig Tree - một trường dạy làm bánh ngọt cao cấp ở trung tâm Bắc Kinh tổ chức một khóa học làm kẹo mềm bằng hỗn hợp sô cô la để cổ vũ "sự vui vẻ, tán tỉnh, chuẩn mực và hoà nhập" giữa những người cô đơn.

"Mẻ kẹo đưa mọi người đến với nhau", Zhong Lin - chủ trường và là bếp trưởng bánh ngọt nói. "Chúng tôi mời những người độc thân của thành phố tham gia vào một khóa học làm socola và tán tỉnh."

Đối với những người có nhiều sở thích mạo hiểm, công viên giải trí hàng đầu của Bắc Kinh Happy Valley đang tổ chức ngày hoạt động cho những người độc thân với rất nhiều trò chơi, trong đó có cuộc thi hát mang tên "Bài hát tình yêu của người độc thân". Những người độc thân cũng có thể đến một khu vực dành riêng và ở đó họ có thể "thú nhận những cảm xúc thật của mình."

Các chàng độc thân tham gia những hoạt động như thế này đều phải chi tiền. Với một chiếc vé giá 25 USD, mỗi chàng có thể mang theo một phụ nữ.

Trung Quốc tráng lệ - một công viên giải trí của Thâm Quyến tự hào với các bản sao thu nhỏ của nhiều địa danh nổi tiếng của đất nước, sẽ tổ chức một cuộc thi tìm rau để khuyến khích người độc thân gặp gỡ nhau. Các loại rau, chủ yếu là dưa chuột và cà chua, được giấu khắp công viên bên trong các mô hình của Vạn Lý trường thành và Tử Cấm thành.

Tại Thượng Hải, "thị trường hôn nhân" chính của thành phố nép mình trong Công viên nhân dân, hôm qua đông đúc hơn bình thường. Những bậc phụ huynh có con cái lớn tuổi mà vẫn ế đã đăng quảng cáo những bức ảnh cá nhân, khoe học vấn của con họ, mức lương, chiều cao và cân nặng. Các tờ rơi được treo bên ngoài công viên, bên cạnh là các bậc cha mẹ lo lắng ngồi dọc theo lề đường, hy vọng gặp các phụ huynh khác để kiếm được một nàng dâu hay chàng rể phù hợp.

Phía tây ở thành phố Tây An, những người độc thân có thể tham gia diễn lại một câu chuyện tình yêu nổi tiếng thời nhà Đường hay tìm hiểu về tình yêu tại công viên Qujiang Cave Ruins, nơi tuyên bố là "Công viên giải trí tình yêu đầu tiên ở Trung Quốc."

Tuy nhiên, trong một xã hội mà con một là phổ biến, việc tìm kiếm bạn đời không dễ như đi công viên.

"Đối với rất nhiều chàng thanh niên, họ cảm thấy rằng cần phải có học cao, có việc làm tốt và có rất nhiều tiền mới kiếm được bạn gái. Một chiếc xe hơi và căn hộ để khiến phụ nữ thấy chàng là hấp dẫn", tiến sĩ Chang Wei, một nhà tâm lý học tại Bệnh viện Gia đình Bắc Kinh, nói. "Điều đó khiến nhiều nam thanh niên làm việc 10-12 tiếng một ngày, không có thời gian giao tiếp xã hội. Các bậc phụ huynh cảm thấy cần phải can thiệp và giúp họ thiết kế các cuộc hò hẹn, và đôi khi những người đàn ông đồng ý với điều đó."

Mặc dù vậy không phải tất cả mọi người đều mong mỏi hôn nhân. Trong một cuộc khảo sát với các nhân viên văn phòng đầu tuần này trên trang web tìm việc nổi tiếng của Trung Quốc mang tên Zhaopin.com, khoảng 70% số người đã kết hôn hoặc những cá nhân có liên quan cho biết họ nhớ thời độc thân.

Ly hôn ở Trung Quốc hiện nay cũng trở nên phổ biến. Trong năm 2009, cả nước có hơn 2,46 triệu cặp vợ chồng ly hôn, tăng gần gấp đôi so với năm 2001.

Nhưng giống như nhiều người độc thân ở Trung Quốc, Alexandra Shi, một sinh viên Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, đang kiếm tìm tình yêu. Năm nay, cô sẽ kỷ niệm ngày này với những người bạn độc thân của mình. Trong tiệc vui, họ sẽ cầm một chiếc đũa và cầu mong không còn là "một chiếc đũa cô đơn" nữa.

"Sống độc thân không làm tôi nguội lạnh, nhưng sống có đôi sẽ tốt hơn", Shi nói. “Nhưng hiện tại độc thân không làm cho cuộc sống của tôi khổ sở. Mặc dù chắc chắn tôi không muốn kỷ niệm ngày độc thân vào năm tới!!”.