Kinhtedothi - Hôm nay (23/4), ngày thứ 2 phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Vinalines. Phiên xét xử hôm nay với nội dung, các luật sư xét hỏi bị cáo.
8h00, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa cho biết, buổi sáng hôm nay (23/4), HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
8h10, luật sư Hoàng Huy Được đề nghị hỏi Mai Văn Phúc (thân chủ của ông Được). Phúc thuật lại việc bàn giao công việc khi nhậm chức Tổng GĐ Vinalines theo phương thức “trọn gói”, chỉ cùng Dương Chí Dũng “ký một chữ là xong, chưa đến 1 phút”.
Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức 14 tháng. Phúc cho rằng, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã xảy ra từ thời điểm đó.
Đề cập về chuyện trách nhiệm với cương vị Tổng GĐ TCty, Phúc cho rằng trong thời gian tại nhiệm, bản thân đã cống hiến lớn (2 năm thu về 4.000 tỷ đồng) nhưng “ở trong tù bị cáo cũng suy nghĩ rất nhiều về việc xảy ra tại Vinalines”.
Bị cáo Trần Hải Sơn
Luật sư Được hỏi lại việc Phúc khai, ở Vinalines chỉ có Phúc hoặc Dũng có quyền quyết định việc mua ụ nổi nhưng bị cáo biện giải thêm, đó là thực hiện Nghị quyết, chủ trương của HĐQT.
Luật sư đặt vấn đề về vai trò, vị trí, phương thức bàn giao trách nhiệm Tổng Giám đốc. Theo bị cáo Phúc thì việc bàn giao công việc khi nhận chức Tổng Giám đốc là "trọn gói", nhưng không có sự bàn giao về tiến độ nhà máy sửa chữa đóng tàu biển phía Nam.
Trước đó, Luật sư Trần Đình Triển vặn hỏi Trần Hải Sơn về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory. Sơn biện giải, chính xác ngày hôm đó có liên lạc với cựu Chủ tịch Vinalines nhưng không nhớ rõ là 16h chiều hay tối hẳn.
Luật sư chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai của Sơn khi bị báo nói gặp Dũng, Dũng chỉ đạo “anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”, gặp Phúc tại phòng, Sơn lại kể Phúc ra lệnh “anh Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, anh Chiều 500 triệu đồng, còn lại cho em chia anh em”. Sơn đáp, có thể có những bản khai không đọc lại hết, có thể ghi sai, có bản nhiều ngày sau mới ký.
8h30, luật sư Phạm Huy Được đặt vấn đề về thẩm quyền trong việc mua bán ụ nổi 83M và việc chỉ đạo trong việc mua bán ụ nổi, Mai Văn Phúc cho biết: “Bị cáo không chỉ đạo gì cụ thể, tất cả anh Chiều tổng hợp cơ quan tham mưu báo cáo lên thế nào thì bị cáo thực hiện. Bị cáo rất tin anh Chiều, nên bị cáo để anh Chiều thực hiện dự án từ đầu đến cuối”.
Đối với lời khai của Trần Hải Sơn về việc giao tiền, bị cáo Phúc nói rằng: "Không có chuyện đó, tại cơ quan điều tra, Sơn thay đổi lời khai liên tục".
8h42, luật sư Được đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về việc lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra. Tháng 1/2007, khi Mai Văn Phúc chưa làm Tổng Giám đốc thì Phúc làm sao chỉ đạo cho Sơn trong việc khảo sát ụ nổi 220M?.
Bị cáo Sơn cho biết: “Lời khai tại cơ quan điều tra tôi xác nhận nhưng không nhớ thời điểm, mốc thời gian”.
Đặt vấn đề bằng chứng về việc nhận số tiền lại quả 1,67 triệu USD, bị cáo Trần Hải Sơn cho biết, tất cả lời khai đã khai ở cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.
Luật sư Được đặt vấn đề về việc Sơn biết quan hệ không tốt giữa Dũng và Phúc. Hai người này mâu thuẫn, kết bè phái trong Tổng Công ty. Luật sư Được đặt vấn đề với bị cáo Sơn, nếu giữa họ có mâu thuẫn như vậy thì có bàn bạc chuyện chia tiền không?
Bị cáo Sơn nói rằng: “Những vấn đề đánh giá chủ quan tôi xin không đưa ra nhận xét”.
8h55, luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra. Theo tài liệu của luật sư Triển, tên Công ty Vũ Hà mà ông Goh phải chuyển tiền là do phía Nga thông báo, còn tên tài khoản của Công ty Vũ Hà do ông Sơn thông báo?
Bị cáo Sơn: "Tôi là người cung cấp tên, tài khoản cho ông Goh, tôi có biết công ty của Nga đó đâu mà chia tách vấn đề ra."9h10, luật sư Trần Đại Thắng đặt vấn đề với Trần Hải Sơn về việc chuyển nguồn tiền 1,67 triệu USD về Việt Nam.Sơn lý giải, các hợp đồng đều là hợp đồng khống, việc thanh toán, chuyển trả qua lại giữa công ty AP và Phú Hà đều là không có thật, chỉ có lần AP chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam. Dòng tiền đi phải có lý do nên bị cáo phải đưa vào một lý do không có thật. Hợp đồng hợp tác kinh doanh Sơn làm trên danh nghĩa công ty Phú Hà với AP là theo chỉ đạo của ông Goh.
“Nhưng làm hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải có chứng nhận đầu tư mới làm được?” - luật sư Thắng hỏi. Sơn trả lời không biết, chỉ làm theo hướng dẫn.
9h20, luật sư Thắng đặt câu hỏi với bà Trần Thị Hải Hà - Giám đốc Công ty Phú Hà - em gái của Trần Hải Sơn về số tiền 1,67 triệu USD.
Bà Hà cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết gì cả, vì anh Sơn là anh trai tôi nhờ tôi làm thì tôi làm”.
Khi luật sư Thắng tiếp tục vặn về vấn đề kê khai thuế số tiền 1,67 triệu USD, bà Hà nói rằng: “Việc kê khai thuế là việc của công ty chúng tôi, chúng tôi không phải trả lời vấn đề đó”.9h35, luật sư Ngô Ngọc Thủy hỏi thân chủ Dương Chí Dũng về mối quan hệ giữa ông Goh - Giám đốc Công ty AP với Dương Chí Dũng, bị cáo Dũng cho biết, bị cáo chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần trong hội thảo ở TP.HCM.9h50, luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi bị cáo Trần Hải Sơn về việc nói lý do, nguồn gốc khoản tiền khi chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Sơn đáp: “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”.
Ông Thiệp cho rằng, khi đưa tiền đã không nói tiền do đâu có thì việc ở cơ quan điều tra lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc đưa tiền hoa hồng từ ụ nổi 83M là có chủ ý, không bình thường.
Ông Thiệp tiếp tục hỏi Sơn, yêu cầu tả lại nhà của Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng như thế nào?
Sơn trả lời: “Khổ quá. Cứ hỏi tôi chi tiết xong vặn. Tôi không nhớ những cái đó nhưng nếu giờ HĐXX cho xe chở, tôi sẽ đưa về đúng căn nhà đó”.10h00, luật sư Thiệp hỏi lại Sơn về việc tại sao ông Goh biết Công ty Phú Hà - công ty của em gái bị cáo Sơn và thực hiện chuyển tiền qua công ty này.
Bị cáo Sơn trả lời: “Việc này đã có trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Tôi xin phép không trả lời”.
Luật sư Thiệp lại đặt câu hỏi về việc chỉ đạo chia tiền tham ô, bị cáo Sơn vẫn tiếp tục câu trả lời: “Cái này tôi đã khai rồi” hay “Tôi đã trả lời rồi”.
Bị cáo Dương Chí Dũng.
10h25, các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi đối với các bị cáo nguyên là đăng kiểm viên và cán bộ hải quan về vấn đề kiểm định ụ nổi và việc thông quan ụ nổi 83M.
Bị cáo Lê Văn Dương - đăng kiểm viên tham gia chuyến khảo sát ụ nổi 83M được các luật sư hỏi về việc lập báo cáo kết luận khảo sát. Khi luật sư hỏi về việc có thực hiện theo mẫu hướng dẫn khảo sát B10, bị cáo Dương thừa nhận, có nội dung chưa thực hiện đúng vì lý do thời gian có hạn.
10h39, luật sư Trần Thị Hồng Phúc đề cập đến văn bản trả lời của Bộ GTVT đối với đơn kêu oan của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Phân xử nội dung hỏi về việc ụ nổi có phải là tàu biển không, cơ quan chuyên môn này đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển.
Theo Dương, đây là văn bản thứ 3 cùng về nội dung này Bộ GTVT đã đưa ra (văn bản được Bộ này gửi đến trại giam T16 Bộ Công an). Hệ thống quy phạm tàu biển bao gồm cả container, chuông lặn ở biển, hệ thống điều khiển thiết bị tự động và từ xa… Nhưng rõ ràng, những thiết bị này không phải là tàu biển. Vậy thì sao lại quy kết ụ nổi cũng là tàu biển.10h45, luật sư Phúc đề nghị được hỏi thêm đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng không biết văn bản trả lời của Bộ gửi cho bị cáo Lê Văn Dương. Còn đại diện Bộ Tài Chính nhắc lại nội dung đã khẳng định cuối giờ chiều qua, cơ quan giám định liên ngành (5 Bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển. Theo đó, hải quan Vân Phong không có sai phạm gì trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm gì các cán bộ đơn vị này. 11h00, chuyển sang nhóm bị cáo là cán bộ hải quan, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc hỏi bị cáo thân chủ Huỳnh Hữu Đức về nhận định của cơ quan giám định liên ngành là hải quan không sai để đề nghị bị cáo trình bày về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức trả lời, về việc buộc trách nhiệm bồi thường đến 9 tỷ đồng tòa sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo và các đồng nghiệp.
11h10, HĐXX công bố những văn bản của Bộ GTVT gửi lên Tòa tối cao và các đơn vị liên quan. Theo các văn bản của Bộ GTVT xác định, ụ nổi không phải là tàu biển.12h10, Hội đồng xét xử tuyên bố tạm dừng phiên xét xử sáng nay.
Chiều nay, vào lúc 14h Tòa tiếp tục làm việc.
14h00, HĐXX bắt đầu phiên làm việc buổi chiều, các bị cáo được đưa vào phòng xét xử. Chủ tọa phiên tòa công bố kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát kết luận vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang; xem xét tăng bồi thường đối với bị cáo Dương Chí Dũng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt và giảm bồi thường cho 4 bị cáo Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, vì có tình tiết giảm nhẹ mới là thành khẩn nhận tội; không chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Thị Vân về kê biên tài sản; xem xét lại phần kê biên tài sản của bà Phạm Thị Mai Phương và Phan Thị Thảo để đảm bảo việc thi hành án được thuận lợi.
Trên cơ sở kết luận của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, vì chưa có căn cứ quy kết các bị cáo phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Ngày mai (24/4), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.