Ngày thứ 3 xét xử tiêu cực tại Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/6, trong ngày xét xử thứ 3, HĐXX tiếp tục làm rõ những hành vi tiêu cực của các đối tượng liên quan đến các hợp đồng kinh tế, mua bán của Công ty CP Thực Phẩm Công nghệ Sài Gòn.

Đồng thời, HĐXX cũng làm rõ vai trò chủ mưu của bị cáo Lê Dũng - Giám đôc Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn.
 ác bị cáo được lực lượng công an dẫn giải về trại giam sau phiên xét xử ngày 10/6.
Các bị cáo được lực lượng công an dẫn giải về trại giam sau phiên xét xử ngày 10/6.
Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc đối tác làm ăn với Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn là những ai? Bị cáo Dũng khai, công ty chỉ có quản lý về mặt vĩ mô còn trực tiếp làm ăn với các đối tác là 5 chi nhánh của công ty và đối tượng làm ăn chính là các nhà máy sản xuất mía đường, bia, nước ngọt. Trong đó, Hứa Châu và Trần Thị Bích Tuyền được xem là khách hàng “VIP” vì dựa vào mối quan hệ và doanh số thương mại cao suốt thời gian dài.

Khi HĐXX hỏi vì sao trong giấy phép kinh doanh của Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn không có kinh doanh thuốc lá nhưng từ tháng 5/2011 công ty lại kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này? Bị cáo Lê Dũng cho rằng, trong thời điểm đó hoạt động kinh doanh các sản phẩm truyền thống của công ty gặp rất nhiều khó khăn nên đã mở rộng kinh doanh thêm mặt hàng thuốc lá để nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Do đó, khoảng đầu tháng 4/2011, Trần Thị Bích Tuyền đã chủ động đến móc nối với Lê Dũng và Huỳnh Dũng Tấn - Cửa hàng trưởng cửa hàng số 36 Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn. Đến tháng 5/2011 bắt đầu thực hiện các hợp đồng mua bán thuốc lá.

Tuy nhiên, theo HĐXX, để kinh doanh mặt hàng thuôc lá cần phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh mặt hàng đặc biệt này. Nhưng trong suốt thời gian từ tháng 5/2011 - 8/2013, Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn vẫn ký các hợp đồng mua bán và xuất khẩu mặt hàng thuốc lá. Cùng với đó, Lê Dũng với vai trò là giám đốc công ty khi tiến hành ký hơn 100 hợp đồng ngoại thương đối vói đối tác nước ngoài nhưng  không nắm rõ quy trình điều kiện như thế nào. Đồng thời, Lê Dũng không biết đối tác ký hợp đồng với mình là ai; không đàm phán trực tiếp với đối tác; không biết năng lực tài chính của đối tác là gì; điều kiện thực hiện hiện hợp đồng như thế nào. Tất cả các quy trình đó, Lê Dũng chỉ thông qua trung gian là Trần Thị Bích Tuyền. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 5/2011 - 9/2013, đối tượng Lê Dũng đã cấu kết với cấp dưới và các đối tác mua bán kinh doanh xuất khẩu mặt hàng thuốc lá với doanh số 800 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã làm rõ chức năng nhiệm vụ của Võ Văn Ân - Phó Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn. Theo đó, khi trả lời HĐXX về việc bị cáo được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc phụ trách hành chính nhân sự nhưng tại sao vẫn ký những hợp đồng kinh tế? Bị cáo Ân cho rằng, dù được giao phụ trách công việc về nội chính, hành chính nhân sự, nhưng Giám đốc Lê Dũng và Phó giám đốc phụ trách kinh doanh thường xuyên đi công tác ở các tỉnh. Muốn cho công việc của công ty không bị ngưng trệ đã được Giám đốc ủy quyền và chỉ đạo ký thay. Khi đặt bút ký rất tin tưởng vào các hồ sơ mà các phòng ban chức năng trình lên.

Trong thời gian giữ chức Phó giám đốc (từ ngày 25/5/2011 - 6/8/2013), Võ Văn Ân theo sự chỉ đạo của Lê Dũng đã đứng tên đại diện Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn ký 7 hợp đồng mua bán thuốc lá với Công ty TNHH Lâm Kim Ngọc có giá trị hàng hóa gần 96 tỷ đồng nhằm mục đích lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT chiếm đoạt 8,7 tỷ đồng của Nhà nước. Ngoài ra, Ân còn đứng tên đại diện cho Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn ký 3 hợp đồng xuất khẩu thuốc lá điếu với Công ty Dang Toung Mine ghi khống giá trị hàng hóa trên tờ khai hơn 125 tỷ đồng…