KTĐT - Sau hơn một năm thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Hà Nội, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đã có nhiều thay đổi vượt bậc.
Bộ mặt nông thôn khang trang hơn, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên từng ngày. Đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng NTM, Thụy Hương đang có những bước chuyển mình tích cực, trở thành điểm sáng của nông thôn ngoại thành.
Con người mới, nhịp sống mới
Chúng tôi về Thụy Hương trong một chiều Xuân mưa bay lất phất. Trên các cánh đồng, nhiều nông dân đang hối hả chăm chút những luống rau tươi non cho phiên chợ Tết với một niềm phấn chấn, rạo rực. Vừa nhanh tay tưới nước cho luống rau xanh mơn mởn, chị Nguyễn Thị Mai, thôn Chúc Đồng tươi cười: "Tết này, nhà tôi vui nhất là được tham gia vào dự án sản xuất rau an toàn của xã. Cây rau bây giờ trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập chính, không còn đơn thuần là cung cấp rau cho bữa cơm gia đình nữa".
Tiếp xúc với chị Mai và nhiều người dân xã Thụy Hương, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi lớn lao trong tư duy của họ, nhất là tư duy sản xuất. Ai cũng hồ hởi chia sẻ về những ruộng lúa, ruộng rau, ruộng hoa được ứng dụng máy móc vào sản xuất, khác xa những ngày vất vả đánh trâu, đánh bò ra đồng cày ruộng. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong năm 2010, Thụy Hương đã triển khai nhiều dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay, xã đã triển khai sản xuất 90ha lúa chất lượng cao; 3ha hoa công nghệ cao (lan hồ điệp, hoa loa kèn, hoa đào…); kết hợp với Công ty Tokin triển khai 10ha rau an toàn tại thôn Chúc Đồng cho 90 hộ xã viên, trong đó có hệ thống nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm…
Trên những cánh đồng của Thụy Hương hôm nay, không chỉ có màu xanh của cây lúa, cây ngô mà còn có cả bóng dáng của những khu nhà lưới, nhà kính nơi hàng vạn giò lan được xếp đều tăm tắp, kịp trổ bông khoe sắc vào đúng dịp Tết này. Gắn bó với sản xuất nông nghiệp của xã nhiều năm, ông Nguyễn Duy Miên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Hương không giấu nổi niềm vui trước sự đổi thay lớn lao này. Ông chia sẻ: Các dự án mới trong nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân, không còn là sản xuất tiểu nông, tự phát mà chuyển sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, HTX Nông nghiệp Thụy Hương đã trang bị và đưa vào sử dụng 4 máy gặp đập liên hoàn, 20 máy gieo sạ thẳng hàng. Thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên đáng kể, hiện vào khoảng 13 triệu đồng/người/năm.
Nhịp sống mới rộn rã, tưng bừng trên khắp các thôn xóm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên từng ngày. Đến nay, 6/7 thôn của xã Thụy Hương đã có nhà văn hóa đạt chuẩn. Trong đó có nhà văn hóa quy mô mặt bằng trên 1000m², có hội trường 200 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ. Mỗi nhà văn hóa đều được trang bị đầy đủ hệ thống tăng âm, loa đài, bàn ghế, sân thể thao phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. Có mặt tại Nhà văn hóa thôn Chúc Đồng cuối giờ chiều, chúng tôi mới cảm nhận hết được nhịp điệu tươi mới, khỏe khoắn của cuộc sống nơi đây. Các cụ già, em nhỏ, thanh thiếu niên nô nức kéo nhau ra nhà văn hóa thôn chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe. Tối đến, các nhà văn hóa luôn sáng đèn cho các đội văn nghệ tập luyện, công diễn phục vụ bà con trong thôn. Ông Trịnh Hữu Đại, Trưởng thôn Chúc Đồng phấn khởi: "Mọi lứa tuổi đều có sân chơi bổ ích. Điều đó tạo đà cho việc xây dựng lối sống vui tươi, lành mạnh ở nông thôn và góp phần tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân".
Diện mạo khang trang
Đến Thụy Hương, chúng tôi cảm nhận được sự "lột xác" của vùng đất ven đô. Tất cả được mang một diện mạo mới khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Những con đường bê tông rộng rãi và sạch sẽ dẫn về khắp các thôn xóm, đồng ruộng. Thụy Hương đã hoàn thành bê tông hóa toàn bộ đường trục xã và gần 90% đường trục thôn. Dắt đứa cháu nhỏ đi chơi trên con đường bê tông vừa mới hoàn thành, cụ bà Bùi Thị Phái, 74 tuổi, thôn Trung Tiến nhoẻn miệng cười khoe hàm răng hạt na đều tăm tắp, khoát tay nói với chúng tôi: "Con đường này trước kia là đường đất, ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì lầy lội, nay đã được làm mới sạch sẽ. Rồi cả trường học, nhà cửa, mương máng… đều khang trang hơn trước. Đúng là nông thôn mới có khác".
Bên cạnh những con đường mới, trong các xóm làng của Thụy Hương hôm nay, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng cho cho làng quê. Những bức tường trát xi măng mới tinh chạy dài trong các ngõ xóm bao bọc lấy hàng cau xanh mướt tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và nét mộc mạc của hồn quê. Ông Đỗ Đức Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết: Toàn xã có 1.838 ngôi nhà, trong đó trên 80% là nhà kiên cố, không còn nhà dột nát. Mỗi năm, trung bình cả xã có thêm 30 ngôi nhà xây mới.
Tại trung tâm xã cũng như ở các thôn xóm, cửa hàng dịch vụ mọc lên rất nhiều, lúc nào cũng nhộn nhịp người mua sắm. Một Dự án cải tạo, nâng cấp chợ Trôi với kinh phí 2,5 tỷ đồng cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Cùng với đó, năm 2010, Thụy Hương đã hoàn thành xây dựng 1 trạm biến áp mới và nâng cấp 2 trạm điện cao áp, đồng thời thay thế 100% công tơ đo đếm điện cho bà con nhân dân. Trong những ngày Xuân đầy phấn khởi này, Thụy Hương đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng đường trục chính. Sau khi hoàn thành, bộ mặt của xã sẽ tươi sáng, lung linh hơn về đêm.
Tuy đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng NTM, song hiện tại Thụy Hương vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Những thành quả mà Thụy Hương đạt được trong thời gian qua đã khiến cho người dân thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Thành phố, phấn đấu xây dựng vùng nông thôn ngoại thành giàu đẹp, văn minh.