Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề... “chuông reo là chạy”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Anh Thành đắng lòng thừa nhận với chúng tôi rằng, nghiệp lái xe cấp cứu là một trong những nghề bị ăn chửi nhiều nhất.

KTĐT - Hùng hồn định nghĩa về nghề của mình như thế, nhưng anh Thành vẫn phải đắng lòng thừa nhận với chúng tôi rằng, nghiệp lái xe cấp cứu là một trong những nghề bị ăn chửi nhiều nhất.

“Có một thứ nghề mà khi dấn thân vào rồi, người ta phải chấp nhận trở thành tri kỷ của 'ma tốc độ' và sẵn sàng tuyên chiến với tử thần để giành giật người bệnh,” anh Nguyễn Văn Thành, lái xe cấp cứu của trung tâm cấp cứu 115 (Hà Nội), người có thâm niên gần 15 năm theo nghiệp "vần vôlăng" vẫn tếu táo “định nghĩa” như vậy về công việc của mình.

Nghề “ăn” chửi

Hùng hồn định nghĩa về nghề của mình như thế, nhưng anh Thành vẫn phải đắng lòng thừa nhận với chúng tôi rằng, nghiệp lái xe cấp cứu là một trong những nghề bị ăn chửi nhiều nhất.

Anh Thành kể rằng, câu đầu tiên khi người nhà bệnh nhân thấy xe cấp cứu là lời phàn nàn “Làm ăn gì mà lâu thế”. Vừa căng đầu óc để chạy thật nhanh tới chỗ người bệnh, thời gian có khi chỉ 5 phút nhưng nghe chửi vẫn là chuyện như cơm bữa với cánh lái xe.

“Những lời phàn nàn như vậy dù sao chúng tôi cũng cố làm quen nhưng buồn nhất là nhiều người mắng chửi chúng tôi rất khó nghe, thậm chí có lần chính tôi còn bị người nhà bệnh nhân hò nhau đánh cho ê ẩm,” anh thở dài.

Anh Thành kể, có hôm được báo cấp cứu cho một bà cụ bị ngã cầu thang, anh đã cố phóng thật nhanh đến nhà người bệnh nhưng chưa kịp xuống xe thì đã bị mấy đứa trẻ chỉ đáng tuổi cháu mình chửi như xối vào mặt.

Những lúc như vậy, dù khó chịu đến đâu nhưng anh vẫn phải nhẫn nhịn bởi theo anh, “đôi co với người nhà bệnh nhân chính là đang làm hại người bệnh”.

Niềm vui công việc với anh Thành cũng đơn giản lạ. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, điều anh mong chỉ là câu cảm ơn của bệnh nhân hay người nhà của họ. Với những người đã lỡ nặng lời với anh, một lời xin lỗi cũng đủ để anh xua tan mọi khó chịu.

So sánh với gần chục năm về trước, anh nói trước đây thấy xe cấp cứu người ta còn nhường đường chứ bây giờ thì trớ trêu thay, nhiều người thích cản trở, "ghìm" xe 115 lại. Nhiều người còn lượn lách phía đầu xe hay đập ầm ầm vào cửa xe mà chửi bới.

Gắn với nghiệp lái xe cũng ngót nghét 15 năm nhưng anh Thành tâm sự, những lần như vậy anh vẫn không sao gạt bỏ được cảm giác vừa giận vừa buồn. Nhiều người thấy xe cấp cứu không có người bệnh bên trong mà vẫn hú còi chạy vượt đường thường tỏ ra khó chịu. Thậm chí, người “chơi ngông” thì sẵn sàng đánh đu, cản trở xe cấp cứu.

“Người ta không biết rằng khẩn cấp nhất lại chính là lúc xe cấp cứu không có người bệnh. Điều người bệnh cần là những sơ cứu ban đầu để giữ lại mạng sống, bởi thế thời gian đi đón bệnh nhân với chúng tôi luôn là lúc căng thẳng vô cùng. Khi người bệnh đã lên xe rồi thì đã có đội ngũ bác sỹ chăm sóc, chúng tôi mới tạm yên tâm,” anh Thành trầm tư kể.

“Chuông reo là chạy”

Với những người làm nghề lái xe cấp cứu tại trung tâm cấp cứu 115, tiếng chuông có lẽ là âm thanh quen thuộc và “ám ảnh” họ nhất. Mỗi khi có ca cấp cứu, những hồi chuông lớn sẽ gióng vang toàn cơ quan, số hồi chuông sẽ ứng với số thứ tự các xe báo hiệu cho êkíp đó sẵn sàng “chiến đấu”.

Anh Khoa, người có thâm niên gần chục năm theo nghề nói vui rằng, những ngày đầu mới đi làm, tiếng chuông còn theo anh về tận nhà. Thậm chí tiếng chuông cửa hay tiếng đồng hồ báo thức đôi lúc cũng làm anh giật bắn người, quáng quàng chạy ra xe.

Anh Khoa tâm sự rằng, nhiều khi cũng tủi thân vì ngày cuối tuần, lễ tết, thời điểm người người được đi chơi cùng gia đình thì cánh lái xe như anh vẫn phải căng mình trực chiến bởi “càng ngày lễ tết thì số vụ tai nạn càng nhiều, bọn anh có khi chạy 15 ca một ngày mà điện thoại trung tâm vẫn ở tình trạng quá tải” .

Muốn được tận mắt chứng kiến công việc của những người lái xe cấp cứu, chúng tôi được anh Khoa đồng ý cho “tháp tùng” đội xe đi cấp cứu trong một ngày.

Khác hẳn với tươi cười, năng chuyện, khi đã lên xe, anh Khoa bỗng trở thành một người khác, nghiêm nghị và không nói chuyện một lời. Băng mình trong những đợt còi hú dài, chiếc xe cấp cứu len lỏi qua hàng loạt con phố để đón một bà cụ bị huyết áp cao trên phố Khâm Thiên.

Nhà bà cụ nằm trong con ngõ nhỏ, xe cấp cứu không thể tiến bước. Vốn thông thạo địa hình, anh Khoa xung phong dẫn đầu đoàn đưa bà cụ ra xe. Cõng được bà cụ ra xe, anh lại quăng mình lên buồng lái tức tốc lên đường. Lưng áo còn đẫm mồ hôi, anh bảo: “Công việc của chúng tôi không đơn thuần chỉ lái xe mà còn là một phần trong nhóm cấp cứu, vì thế việc gì giúp được là mình phải hết mình”.

Với anh Đặng Thành Khẩn, một trong những bậc “đại thụ” ở trung tâm, thì xác định gắn bó với nghề cũng đồng nghĩa phải “sống chung với lũ”.

“Có đêm, đang say giấc thì tiếng chuông báo hiệu réo inh ỏi, anh em chạy vội ra xe, nhưng đến nơi chỉ thấy một đám thanh niên đang ngà ngà say cười ha hả vì lừa được xe cấp cứu”, anh Khoa nhớ lại.

Thậm chí, có những ca cấp cứu mà người bệnh chỉ bị xước tay hay ngã trầy đầu gối nhưng đêm hôm cánh cấp cứu vẫn phải vượt đường xa tới “cứu nguy” cho người bệnh. Khi đến nơi, mặc dù rất bực nhưng anh em vẫn phải nén lại, nhìn nhau mà bảo: “Cái nghiệp đã thế, biết làm sao”.

Cũng chính vì cái nghiệp ấy mà hơn chục năm nay các anh đã phải quen với nhịp điệu “chuông reo là… chạy”./.