Nghè Đằng Đông đang bị lãng quên?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghè Đằng Đông (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) được xác định là một loại hình kiến trúc di sản văn hóa dân gian gắn bó mật thiết với cuộc sống thôn làng của mảnh đất kinh kỳ.

Tuy nhiên, vị trí xác định sự tồn tại của di tích là những vùng đất đang bị bỏ hoang. Chính vì vậy, ngày 24/4, các chuyên gia khảo cổ, sử học, dân tộc học… đã cùng người dân địa phương mở cuộc tọa đàm ngay tại chính địa điểm của di tích để bàn thảo phương án phục dựng nghè Đằng Đông.
Dấu tích của nghè

Nghè Đằng Đông nằm ở đầu ngõ 63, đường Cổ Linh đã trở nơi thực thành tín ngưỡng quá quen thuộc với người dân thuộc phường Thạch Bàn. Trên thực tế, nghè Đằng Đông vẫn được coi là di tích, vốn thuộc làng xã Cự Linh (được đổi tên thành Thạch Bàn từ tháng 6/1955). Nơi đây vẫn hiện hữu miếu thờ hay một khẩu giếng cổ với bao huyền tích. Nhưng hiện nay bao quanh vùng được xác định là di tích là ao hồ, cánh đồng hoang. 1 căn nhà cấp bốn với sân lợp mái tôn được dựng lên tạm bợ trong khuôn viên di tích để phục vụ nhu cầu lễ bái ngày tuần của người dân địa phương. Nói như GS Trần Lâm Biền, nghè Đằng Đông đang bị lãng quên.
Hiện nay, với những dấu vết di tích nghè Đằng Đông còn sót lại, người dân Thạch Bàn đã phục dựng các ban thờ để làm nơi thực hành tín ngưỡng.
Trên thực tế, đã có nhiều cuộc hội thảo bàn luận phục dựng di tích đình, chùa nhưng khái niệm về di tích nghè gần như còn quá xa lạ. Trong khi theo nghiên cứu của GS Trần Lâm Biền: Nghè là tên gọi dân gian Việt, là nơi thờ vị thần tối thượng của làng, xóm. Tại vị trí hiện tại, những cấu trúc di tích thuộc nghè Đằng Đông không còn nhưng là một trong hệ thống 3 nghè của xã Cự Linh. Năm 1964 - 1965 do vấn đề của lịch sử, di tích này đã bi hạ giải.

GS sử học Lê Văn Lan khẳng định, nghè Đằng Đông là di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu. Bởi lịch sử lưu lại đã thể hiện, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đến thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 hay trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, nghè Đằng Đông đều là nơi tập hợp lực lượng yêu nước, khơi dậy phong trào đấu tranh bảo vệ dân tộc. Với các cứ liệu lịch sử nêu ra, GS Lê Văn Lan khẳng định nghè Đằng Đông đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu.

Giữ hồn làng cho đô thị

Theo TS Bùi Thế Quân – Phó Trưởng phòng VH&TT quận Long Biên, người dân địa phương rất tha thiết phục dựng lại nghè như là một cách tìm lại quá khứ, để định hướng cho sự ổn định tâm lý, vững vàng xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư. Bởi vì, thực tế đã chứng minh, ngày nay nông thôn nước ta đang chuyển biến mạnh mẽ trên con đường đô thị hóa. Tất cả các vùng đất xưa gọi là thôn, xã nay đã lên tổ dân phố, từ làng lên phường. Nhưng người dân vẫn có nhu cầu giữ lại hồn làng.

Về đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, Long Biên) vào dịp lễ hội vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm mới thấy cộng đồng dân cư được kết nối. Thay vì lối sống nhà nào biết nhà nấy như mọi ngày, người dân nơi đây dậy từ 2 - 3 giờ sáng, khấp khởi chờ hội, chuẩn bị cho nghi lễ kéo co ngồi. Chính tính độc đáo và giá trị cộng đồng nên nghi lễ kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ đã được UNESCO ghi nhanh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo các cụ trong làng thì nghi lễ kéo co ngồi xuất phát từ nghè Đằng Đông nhưng khi nghè bị phá, không còn nơi diễn xướng thì mới chuyển sang tổ chức ở đền Trấn Vũ.

Trên thực tế, ký ức của người dân Ngọc Trì vẫn thấy được rõ ràng đầy đủ nền móng, quy mô, dạng thức kiến trúc của nghè Đằng Đông. Đó là một kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm gian nhà tiền tế và 3 gian hậu cung. Các nhà khoa học cũng xác định phần “hồn” của nghè cơ bản được bảo tồn: Ngai thờ bài vị thần Linh Huệ đại vương được di chuyển đến đền Trần Vũ và được thờ phụng ở bên gian trí của đền. 3 đạo sắc phong, 2 bức hoành phi, nhang án cùng nhiều tế khí của nghè vẫn được lưu giữ ở đền.

TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học khẳng định: “Dựa trên những gì chúng ta thấy ở thực địa và trong ký ức người dân Ngọc Trì, các nhà khoa học có thể dựng lên được rõ ràng đầy đủ nền móng, quy mô, dạng thức kiến trúc của nghè. Đó là những điều kiện và cơ sở thuận lợi để có thể dễ dàng tiến hành phục hồi nguyên trạng nghè Đằng Đông”. Phía chính quyền địa phương cũng khẳng định sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền đề nghị phục hồi di tích nghè Đằng Đông đúng với Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần