Nghe hay, khả thi khó

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị quốc tế về Libya tổ chức ở thủ đô Berlin của nước Đức kết thúc với một bản tuyên bố chung bao gồm 55 điểm nội dung.

15 quốc gia và LHQ tham dự hội nghị đều tỏ ra hài lòng. Hai bên đối địch nhau ở Libya, thủ tướng chính phủ ở thủ đô Tripolis và tướng Haftar, cùng có mặt ở Berlin nhưng không tham dự hội nghị và cũng không gặp nhau. Kết quả hội nghị được các bên tham dự ngợi ca là thành công lớn của ngoại giao trung gian hoà giải. Nước Đức lần này đã không bị thất bại như Italy và Pháp trước đó với ý đồ và mưu tính tương tự là tổ chức hội nghị quốc tế để tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Libya.

 Hội nghị quốc tế về Libya tại Berlin, Đức

Kết quả của hội nghị này thể hiện trong 55 điểm nội dung nói trên nghe thì thấy rất hay, rất hợp lý và chỉ có thể được hoan nghênh chứ không thể bị phản đối. Bên ngoài cam kết không can thiệp vào công chuyện nội bộ của Libya. Bên ngoài thoả thuận cấm cung cấp vũ khí cho các bên ở trong Libya. Bên ngoài ủng hộ thực hiện ngừng bắn ở Libya, khôi phục sự thống nhất về kinh tế cho Libya. Bên ngoài nhất trí và khẳng định là vấn đề Libya chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị chứ không phải bằng quân sự. Thủ tướng Đức Angela Merkel dùng sự hiện diện và tham dự hội nghị của TTK LHQ Antonio Gutteres để ngầm thể hiện là nước Đức và LHQ đồng hành cũng như sự de doạ trong tuyên bố chung của hội nghị là LHQ sẽ trừng phạt bất cứ ai vi phạm lệnh cấm cung cấp vũ khí cho các bên ở Libya không phải là đe doạ xuông.

Đúng là từ hơn 8 năm nay chưa khi nào có được kế hoạch khung chung và lộ trình thực hiện cụ thể đến như vậy cho giải pháp chính trị hoà bình về hiện tại và tương lai của Libya. Việc có được giải pháp chính trị hoà bình này hiện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi Libya đang có nguy cơ trở thành điểm nóng mới về xung đột, chiến tranh và nội chiến ở khu vực này. EU có lợi ích thiết thực đặc biệt ở đây trước hết vì vấn đề người tỵ nạn và di cư. Ngoài ra, EU và Mỹ cũng như đồng minh của họ ở trong cũng như ngoài khu vực ngăn cản bằng mọi cách và với mọi giá việc Nga lại sẽ thành công ở Libya như đã thành công đến nay ở Syria.

Chỉ có điều là tính khả thi của kết quả hội nghị này hiện lại rất hạn chế. Thật ra, nội dung ý tưởng về giải pháp chính trị hoà bình cho Libya không mới mẻ gì mà đều đã được hiện diện ở những đề nghị hoà bình cho tới nay nhưng đều không được thực hiện thành công. Các đối tác bên ngoài có lợi ích chiến lược riêng không dễ từ bỏ ở Libya. Mấu chốt nhất là ngừng bắn và hoà giải, hoà hợp dân tộc giữa các bên đối địch nhau ở Libya. Phe của tướng Haftar đâu có chịu hy sinh những ưu thế và lợi thế hiện tại hơn hẳn phía chính phủ ở thủ đô Tripolis để chấp nhận bình đẳng với phía chính phủ này. Thổ Nhĩ Kỳ đứng hẳn về phía chính phủ Libya trong khi Nga chơi con bài bắt cá hai tay. Mỹ và EU biết rằng muốn thực hiện thành công và đầy đủ 55 điều nội dung trong tuyên bố chung nói trên của hội nghị Berlin thì phải có sự đồng hành và đảm bảo bằng quân sự nhưng đưa quân đội vào Libya lại chẳng khác gì sa vào cuộc phiêu lưu quân sự mới khó mà có thể yên ổn thoát được ra khỏi.

Mỹ, EU và LHQ muốn dùng một thoả thuận quốc tế này để ngăn chặn các đối tác bên ngoài cam thiệp sâu hơn nữa vào diễn biến tình hình ở Libya trong khi các đối tác kia chấp nhận thoả thuận ấy vì lợi ích chiến lược của họ không hề ảnh hưởng, vì đối với họ thoả thuận là một chuyện trong khi thực hiện thoả thuận là chuyện khác và vì chính thoả thuận này không để cho có thêm đối tác mới nữa can thiệp vào diễn biến tình hình ở Libya.

Từ đó có thể thấy, việc tổ chức và kết quả của hội nghị nói trên về Libya ở Berlin là diễn biến tích cực và đáng khích lệ, nhưng rõ ràng mới chỉ là tối thiểu chứ không phải tối đa và hoàn toàn chưa thể đủ để có thể được coi là bước chuyển mang tính chất cơ bản và quyết định trên quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Libya.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần