Nghe Xẩm đến tàn cuộc hát

TS, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm cầm ca nảy phách nơi phố đi bộ Hồ Gươm, chiếu Xẩm Hà thành với những câu ca đặc sản của 36 phố phường khiến nhiều người mê đắm ví mình như “người nghiện”. Nhưng ngẫm ra, những “cơn nghiện” ngày cuối tuần ấy đã phản ánh nét đổi thay tích cực trong lối thưởng thức và ứng xử với nghệ thuật truyền thống của người Hà Nội.

Ảnh: Quang Long
Lặng lẽ yêu xẩm

Có vẻ đã thành thói quen, cứ cuối tuần là khán giả xa gần lại tập trung ở khu vực tượng đài Vua Lê Thái Tổ để cùng các nghệ sĩ hòa mình vào những câu xẩm, hát văn, chèo, quan họ… Lượng khán giả đêm nào cũng khoảng 200 người, đủ mọi lứa tuổi, trong đó có nhiều dân phố cổ. Các cụ đi bộ đến từ rất sớm, ngồi nghe xẩm trọn vẹn cho tới khi tàn cuộc hát mới về.

Có những khán giả từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang… tới. Họ đến thường xuyên đến mức các nghệ sĩ còn biết tên nhiều người. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh Tứ ở Vĩnh Phúc - một người nông dân lam lũ chừng hơn 40 tuổi.
Mấy ai biết, người đàn ông mưu sinh bằng cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà ấy cuối tuần nào cũng dành thời gian đi xe máy xuống Hà Nội để kịp dự một đêm biểu diễn xẩm của chúng tôi. Hay anh Đức Bằng khoảng 30 tuổi - một cán bộ văn hóa ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Chỉ trừ khi công việc rơi vào cuối tuần, bằng không tuần nào anh cũng đều đặn có mặt ở điểm biểu diễn vào tối thứ Bảy.

Mọi người đến đây không chỉ đơn thuần với vai trò khán giả, bởi nghệ sĩ luôn ưu ái cho khán giả thành nghệ sĩ. Còn nhớ một đêm diễn, khi chương trình đã trôi qua 2/3 thời lượng, một bác gái khoảng 60 tuổi lại gần tôi, chỉ vào một cụ ông đang đứng cạnh một chàng trai trẻ giới thiệu là bố chồng và con trai bác.
Cụ đã 85 tuổi nhà ở quận Hoàng Mai, nhưng ao ước mãi được nghe điệu xẩm tàu điện. Vậy là đêm ấy, dẫu phần trình diễn xẩm đã xong, nhưng Mai Tuyết Hoa, Phạm Đình Dũng và tôi đều hết lòng hát tặng cụ bài xẩm “Giăng sáng vườn chè”. Chúng tôi thấy lâng lâng hạnh phúc vì niềm say mê cụ gửi cho xẩm, trân trọng nó…

Ngạc nhiên hơn là có cả cậu bé 5 tuổi, tuần nào cũng đòi mẹ đưa lên nghe xẩm, mắt tròn xoe, sáng tỏ nghe từng câu ca, nhịp phách.

Tò mò hỏi mới biết, cậu bé Bảo Châu ấy mê nhạc truyền thống, thậm chí cậu còn trở thành học trò trên mạng của anh hai quan họ Hữu Duy (Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) - một nghệ sĩ thường xuyên của nhóm. Và đêm diễn đó, sau phút ngượng ngùng, cậu bé cất giọng trong veo đem đến cho khán giả 2 làn điệu quan họ cổ “Ba sáu thứ chim” và “Mười nhớ”. Khán giả của Xẩm Hà thành lâu dần cũng quen với sự hiện diện của những “người của công chúng” như nhạc sĩ Giáng Sol, ca sĩ Thái Thùy Linh, nhạc sĩ Trường Giang… Có khi là những nhà văn hóa, cựu chính khách như nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh hay GS Hoàng Chương…

Dân dã như chiếu xẩm

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhóm Xẩm Hà thành lại nhận lời trải chiếu biểu diễn tới 3 tối một tuần ở sân khấu ngoài trời dưới tượng đài Vua Lê. Bởi khu vực Hồ Gươm và phố phường Hà Nội đích xác là không gian trình diễn của các nghệ nhân xẩm xưa kia. Việc có một sân khấu với trọng tâm là những câu xẩm khi khu phố đi bộ Hồ Gươm khai màn chính là tái tạo không gian văn hóa truyền thống một thời đã hiện hữu tại đây.
Điều đó tạo sức thu hút khán giả đến với phố đi bộ đặc biệt này. Mà khi khán giả đã say, thì nghệ sĩ cũng dốc bầu nhiệt huyết. Thế nên, nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã đến ngồi hát cùng chiếu xẩm với nhóm Xẩm Hà thành, trong đó không thể không kể tới NSND Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Thúy Ngần…

Vậy là không chỉ đơn thuần là một sân khấu biểu diễn, chiếu Xẩm Hà thành còn là một nét văn hóa truyền thống xưa của người Hà Nội hiện hữu trong đời sống tinh thần hôm nay. Cùng với nhiều điểm diễn khác trong không gian khu phố đi bộ Hồ Gươm, với đa dạng nghệ thuật từ truyền thống tới đương đại, Hồ Gươm cuối tuần không đơn thuần là khu phố đi bộ mà phải gọi là không gian văn hóa. Ở đó rõ nét sự kết nối giữa truyền thống với hiện đại, rõ nét lối ứng xử với con người và văn hóa của người Hà Nội hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần