Nghẹt thở vì xe khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau dịp nghỉ Lễ 2/9, ngày 4/9, hàng nghìn xe khách từ các tỉnh lại ùn ùn đổ về Thủ đô. Nhiều tuyến đường tại Hà Nội, đặc biệt là những tuyến đường gần với các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên… bị tắc nghẽn.

Những chuyến xe "nghẹt thở"

 

Tại bến xe Mỹ Đình ngày 4/9, hàng ngàn xe khách từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Yên Bái, Quảng Ninh… ồ ạt đổ về, khiến cả đoạn đường Phạm Hùng từ cổng bến xe Mỹ Đình đến cầu vượt Mai Dịch giao thông tê liệt. Đến khi các chiến sĩ CSGT, bảo vệ bến xe phải ra đường phân luồng, giải tỏa, các xe khách mới nhúc nhích về đến bến. Theo quan sát của chúng tôi, đa số các xe khách đều chở quá số người qui định, thậm chí, có những xe khách đông gần gấp ba sức chứa của xe. Ví như khách trên chuyến xe Hồng Hưởng (biển xe 36M-1770) chạy từ huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) về Hà Nội, được nhồi nhét chật kín. Thậm chí, nhiều hành khách phải ngồi vào lòng nhau. Sự mệt mỏi thấy rõ trên khuôn mặt của các "thượng đế".

 

Một xe khách chạy từ Hà Nam về Hà Nội, dẫu chỉ có 16 chỗ ngồi, nhưng nhồi tới 40 hành khách. Em Nguyễn Thu Thủy (sinh viên Đại học Thương Mại) khi bước xuống chiếc xe này vẫn chưa hết bàng hoàng. "Được bạn mời về Hà Nam chơi nhân dịp nghỉ 2/9, em không ngờ chuyến đi lại mệt nhọc như thế. Chủ xe lèn khách như lèn cá hộp, một ghế "nhét" tới hai người, lối đi ở giữa xe cũng bị nhà xe xếp người đứng, ngồi kín không một khe hở. Trên xe có điều hòa nhưng không tải nổi nhiệt, các cửa sổ được mở toang tối đa để hành khách không bị nghẹt thở. Mặc dù không còn chỗ đứng nhưng mỗi khi thấy khách bên đường, tài xế vẫn dừng xe lại để bắt thêm khiến các hành khách trên xe đều… hoảng. Tất cả đồng thanh lên tiếng không để lái xe bắt thêm khách, đồng thời nhắn nhủ các hành khách đó… chờ bắt chuyến sau. Dù chiếc xe chật cứng, nhiều hành khách không đủ kiên nhẫn chờ xe khác, cũng đành phải lên xe và chấp nhận đứng trong tư thế "nghiêng ngả". Thật khủng khiếp!" - Cô sinh viên rùng mình kể lại.

 

Tái diễn tình trạng "chặt chém"

 

Sự mệt mỏi sau hành trình từ quê ra Hà Nội thể hiện rõ trên nét mặt các hành khách. Trên các chuyến xe đi vào bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát nhiều hành khách gục xuống ghế, quay mặt ra cửa sổ với nét mặt mệt mỏi. Ai cũng mong mau chóng rời khỏi những chiếc xe khách "nghẹt thở". Xe về đến bến, nhiều hành khách không chịu nổi, đành phải xuống xe từ những chiếc cửa kính nhỏ. Thậm chí, nhiều xe chưa vào đến bến Mỹ Đình, do bị tắc nghẽn giao thông, đã tranh thủ thả hết khách ngay trên đường Phạm Hùng.

 

Ngoài chuyện bị nhồi nhét trên xe, hành khách còn bị thu tiền quá giá vô tội vạ. Nhiều khách đi xe thậm chí bị thu tiền vé gấp rưỡi, gấp đôi giá vé qui định. Khi hành khách thắc mắc về chuyện đi xe bị nhồi nhét, bị thu tiền vé giá cao thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ: "Mỗi năm chỉ có vài dịp lễ, các bác phải để nhà xe… kiếm ăn với chứ. Giá cả buộc phải điều chỉnh lên để bù đắp vào những khoản "lộ phí" dọc đường. Chị Nguyễn Hồng Anh, quê ở Nam Định vừa xuống bến Giáp Bát, dù rất mệt mỏi nhưng cũng không dấu nổi vẻ bực tức. Lên xe đã không có chỗ ngồi thì chớ, phụ xe đòi ngay tiền vé 100 nghìn đồng. Khi hỏi lại sao thu đắt thế, chị chỉ nhận được lời giải thích khá ngắn gọn: "Ngày lễ mà, nếu chị không đi thì xuống xe, dành chỗ cho người khác". Không chỉ mình chị Hồng Anh mà nhiều hành khách muốn nhanh trở lại Hà Nội phải bấm bụng trả tiền quá giá để về kịp thời gian.

 

Tình trạng UTGT tại khu vực xung quanh các bến xe, khách bị nhồi nhét, thu tiền quá giá sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài đã diễn ra từ nhiều năm qua. Dịp 2/9 năm nay vẫn không là ngoại lệ, không biết đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng này?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần