Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị định mới cần cân bằng lợi ích của cơ quan thuế và người nộp thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Cần thiết phải ban hành một nghị định mới nhằm đơn giản hóa và làm minh bạch các thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí tiền bạc và thời gian cho người nộp thuế và cơ quan thuế”.

KTĐT - “Cần thiết phải ban hành một nghị định mới nhằm đơn giản hóa và làm minh bạch các thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí tiền bạc và thời gian cho người nộp thuế và cơ quan thuế”.

 Quan điểm của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận được sự đồng tình của tất cả các doanh nghiệp (DN) có mặt tại buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý Thuế do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì sáng 20/10.

Doanh nghiệp vẫn “than trời” vì thuế!

 Cách đây 2 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2007/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý Thuế nhằm thống nhất các thủ tục hành chính về thuế trong một số văn bản luật. Đây được xem là một bước cải tổ của ngành thuế theo hướng minh bạch hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa thực sự theo kịp được đòi hỏi của thực tế đất nước, người dân mà đặc biệt là các DN vẫn đang phải “đi đêm” với cơ quan thuế để “đầu xuôi đuôi lọt” trong nhiều thủ tục. 
 
Theo báo cáo tổng hợp những nghiên cứu về môi trường kinh doanh Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, trung bình mỗi DN phải mất 29,1% quỹ thời gian của mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Ở Hà Nội, tỷ lệ này là 44,5% và ở Tp.HCM là 38,7%. Điều này có nghĩa là những thủ tục hành chính mà đứng đầu bảng là các thủ tục thuế quá rườm rà đã lấy đi gần một nửa quỹ thời gian dành cho quản lý và điều hành của DN. Một báo cáo khác từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, các DN Việt Nam thuộc nhóm tiêu tốn thời gian nhất để đáp ứng các yêu cầu về thuế do thủ tục về thuế quá phức tạp, nhiêu khê. Bình quân mỗi năm, một DN Việt Nam phải nộp 32 lần thuế các loại và tiêu tốn trung bình 1.050 giờ làm việc, gấp năm lần so với Indonesia. 

Tổng cục Thuế - cơ quan trực tiếp thi hành Nghị định 85 cũng thừa nhận, nghị định còn rất nhiều quy định “chưa rõ, chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế”, do đó “cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho cơ quan, tổ chức thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức và cá nhân”.

 Ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài Chính), đại diện ban soạn thảo nhấn mạnh rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung lần này sẽ thay thế cho Nghị định 85 đã ban hành cách đây 2 năm. Nghị định mới hướng đến ba mục tiêu là: Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của các Luật Thuế hiện hành (gồm Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luât hiện hành có liên quan). Hai là đảm bảo đơn gian hóa thủ tục hành chính. Ba là sửa đổi, bổ sung các quy định nội dung không còn phù hợp để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sửa thế nào cho lợi cả đôi bên?

Theo TS Nguyễn Văn Tuyến (ĐH Luật Hà Nội), Nghị định mới cần phải bảo vệ lợi ích cho cả Nhà nước và người nộp thuế. Theo đó, việc sửa đổi Nghị định 85 cần được thực hiện theo hướng giảm mạnh việc “hậu kiểm” của cơ quan thuế và tăng quyền tự chủ cho người nộp thuế, đồng thời bổ sung các quy định nhằm giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục cho người nộp thuế. Đặc biệt, Nghị định mới cần tăng cường khả năng thực thi các quy định về tố tụng thuế, như vậy mới đảm bảo khả năng kiểm soát cua người nộp thuế đối với nhà nước. Hiện nay có tình trạng các tòa án hành chính địa phương “ngại” thụ lý hồ sơ các vụ án hành chính về thuế mà trong đó bên khởi kiện là người nộp thuế, còn bên bị kiện là cơ quan thuế hay cơ quan hành chính có liên quan đến quản lý thuế. Vậy nên người dân và DN dẫu có oan cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, họ sợ mình là “con kiến đi kiện củ khoai”!

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, Nghị định sửa đổi lần này cần đề cao vai trò của các tổ chức làm dịch vụ thuế hay còn gọi là đại lý thuế. Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, sở dĩ việc “hành thu” trong ngành thuế còn nhức nhối như hiện nay là do “cán bộ thuế tiếp dân quá nhiều”. Nếu việc nộp thuế được tiến hành thông qua một đại lý thuế, một tổ chức chuyên nghiệp thì tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu DN sẽ giảm đi đáng kể. Người nộp thuế chỉ phải trả một khoản phí nhỏ cho đại lý thuế mà không phải tốn thời gian và chi phí “đi đêm” cho cán bộ thuế.

Cách làm này đã được Nhật Bản áp dụng rất hiệu quả. Hiện nước này có 3 triệu người nộp thuế thì có đến 2,7 triệu người nộp thông qua đại lý thuế. Ông Tuyến đề nghị ban soạn thảo cần xây dựng cơ chế và quy định cụ thể hoạt động của các đại lý thuế để từng bước xã hội hóa hoạt động thuế và giảm chi phí giao dịch cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, đặc biệt DN sẽ thấy “dễ chịu” hơn với các thủ tục hành chính thuế.