Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2016: Phạt nặng để răn đe

Công Trình thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ - CP và Nghị định số 107/2014/NĐ - CP.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2016: Phạt nặng để răn đe - Ảnh 1Nghị định này có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng nặng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Để làm rõ những quy định mới của Nghị định 46, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016?

-Trên cơ sở đúc kết từ thực tiễn, có thể nói Nghị định 46 dễ thực hiện, dễ hiểu hơn so với những Nghị định trước. Ngoài ra, Nghị định mới đã tập trung tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, một điều hết sức cần thiết. Nói như vậy là bởi, từ trước đến nay do mức phạt hành vi vi phạm luật giao thông còn nhẹ nên nhiều người do trình độ nhận thức còn hạn chế khi bị xử phạt chỉ nghĩ cứ nộp phạt là xong, mà không ý thức được những hậu quả đối với xã hội và với chính bản thân mình. Do đó, việc tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và UTGT là điều hết sức cần thiết để tạo sức răn đe.

Theo ông, đâu là điểm mới đáng chú ý của Nghị định 46?

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Nghị định 46 đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Trong đó, xe ô tô 65 điểm, xe mô tô 8 điểm, xe máy chuyên dùng 6 điểm, tổ chức cá nhân vi phạm quản lý hành lang an toàn đường bộ 10 điểm, kinh doanh vận tải 10 điểm, chủ phương tiện 23 điểm, đào tạo lái xe 5 điểm.

Cụ thể, tại những Nghị định trước không có quy định chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng, thì Nghị định mới đã khắc phục được tình trạng này. Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng đã điều chỉnh, mô tả để làm rõ một số hành vi vi phạm luật giao thông như: Thời gian cụ thể phải bật đèn khi tham gia giao thông (trước là trời tối); Hay quy định xử phạt hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe. Trước đây, Nghị định cũ sử dụng từ “tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe”, dẫn đến câu chuyện lái xe đưa ra nhiều lý do để chống đối như: Tôi có thay đổi kích thùng xe đâu? Hay tôi chỉ là lái xe, DN giao xe thì chỉ biết chạy chứ không biết là vi phạm… Nay, Nghị định mới đã ghi rõ hành vi bị xử phạt là “điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất”…

Hiện, một số ý kiến cho rằng, Nghị định 46 có một số điểm không hợp lý, đặc biệt là việc xử phạt hành vi quên không gạt chân chống khi tham gia giao thông?

- Những ý kiến trên, chúng tôi đã nắm được thông qua một số trang mạng. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, Nghị định mới không xử phạt hành vi quên không gạt chân chống khi tham gia giao thông. Cụ thể, tại Nghị định 171 cũng như Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 chỉ quy định xử phạt hành vi “Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” chứ không xử phạt lỗi người điều khiển xe máy quên không gạt chân chống. Mục đích của quy định này là hướng đến các đối tượng ngổ ngáo, cố tình dùng chân chống quệt xuống đường khi xe đang chạy để “đánh lửa”, chứ không phải hướng đến những người vô tình quên.
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử phạt lái xe chở hàng cồng kềnh. Ảnh: Trần Anh
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử phạt lái xe chở hàng cồng kềnh. Ảnh: Trần Anh
Tuy nhiên, mặc dù đây chỉ là thao tác nhỏ nhưng nếu người tham gia giao thông bất cẩn sẽ gây ra những hậu quả lớn. Bởi nếu quên không gạt chân chống và khi tham gia giao thông tại những khu vực đường cua, gặp chướng ngại vật ở những đoạn mặt đường gồ ghề thì chân chống sẽ va xuống đường và tạo ra một phản lực đối với xe và có thể gây mất lái, loạng choạng, ngoài việc gây tai nạn cho chính mình thì có thể đâm va vào các phương tiện khác đang đi cùng chiều hoặc ngược chiều để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo ông, liệu Nghị định 46 còn những điểm gì chưa hợp lý?

- Như đã nói, Nghị định 46 nói riêng và các Nghị định 107 và 171 nói chung được xây dựng, đúc kết từ chính quá trình thực tế. Và đến thời điểm này, Nghị định 46 đã khắc phục được rất nhiều tồn tại, hạn chế của các Nghị định trước. Tuy nhiên, xã hội luôn biến đổi không ngừng, do đó trong quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tập hợp những điểm bất hợp lý nếu có để kiến nghị đưa ra những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!
Những hành vi vi phạm luật giao thông theo Nghị định 46 chưa bị xử lý từ ngày 1/8/2016: Hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2018); Người điều khiển xe ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường (có hiệu lực từ 1/1/2017).