Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do Văn Phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT tổ chức sáng nay (10/3).
Hình minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 3 năm qua, trong đó năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Tuy vậy, nếu căn cứ vào mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 19 năm 2017, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Cụ thể, đến hết năm 2017, đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; Giai đoạn 2017 - 2020, cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) và Chính phủ điện tử (theo Liên hiệp quốc). Trong đó, gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
Theo Viện trưởng Viên Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM Nguyễn Đình Cung, Việt Nam đã đạt một số kết quả cải thiện 9 bậc tăng từ 91 - 82 tuy nhiên so với mục tiêu Asean 4 là xếp thứ 43 khoảng cách cần đạt được là rất lớn.
Ông Cung nêu còn rất nhiều văn bản đã nêu liên tục trong các NQ19 vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của NQ. Ví dụ: Ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN theo NĐ số 187/2013/NĐ-CP (ngày 20/11/2013); Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu; Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 9/11/2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. “Chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ khoảng 30 - 35% xuống còn 15% là món nợ lớn đối với DN”, ông Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Viện trưởng CIEM, còn khá nhiều nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 năm 2016 chưa thực hiện được; 40% giải pháp chưa thực hiện được; các cơ quan công chức như hiện nay thì khó đạt được mục tiêu. “Cần phải có hành động quyết liệt trên nhiều tuyến phối hợp chặt chẽ với sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ và yêu cầu trách nhiệm giải trình để có được kết quả số nhân chứ với kết quả phép cộng nho nhỏ khó thành công. Đòi hỏi sự chung tay tất cả với quyết tâm theo tinh thần Chính phủ sáng tạo, hành động liêm chính thì chúng ta mới thành công”, đại diện CIEM nói.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, thực tế mấy năm qua cho thấy, nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, tuần tự, từng bước. Nếu chỉ có sự tích cực của các hiệp hội DN và cộng đồng DN mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và DN thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Jeff Roach - Phó đại sứ Oxtraylia tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 19 vẫn cần làm nhiều hơn ví dụ như thông quan tốt hơn, áp dụng chính sách về thuế tốt hơn để phát triển DN. Ngoài ra, thách thức mà nước nào cũng gặp phải là trong bối cảnh hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TTP không có tiến triển, phải nỗ lực để có một nền kinh tế càng hiệu quả càng tốt, làm thế nào để có được một nền kinh tế kết nối mạnh mẽ hiệu quả trong khu vực.