Khác với sự đơn giản thời trước, nay đời sống kinh tế khá giả, chuyện xây dựng mồ mả ở làng Mộc cũng mạnh ai nấy làm. Nhà có điều kiện thì xây mộ hoành tráng, hoa văn cầu kỳ, có cổng vào, tường bao kiên cố; nhà bình thường thì xây đơn giản; nhà ít điều kiện hoặc kém chăm nom thì mộ của các cụ có khi cỏ mọc um tùm…
Đáng buồn hơn là do xây tự phát nên mộ của các cụ chẳng ra hàng ra lối, mộ nọ quay lưng vào mộ kia; khoảng cách giữa các mộ chỗ dày, chỗ thưa, có chỗ cách nhau cả thửa ruộng…
Tâm sự với người bạn là trưởng thôn, ông Tít được biết, chuyện nghĩa trang đang là đề tài nóng, được nhiều người quan tâm. Đa số người dân trong thôn mong muốn nghĩa trang phải sạch đẹp, trang nghiêm và bố trí khoa học, tránh lãng phí. Ngay cả cụ Phách, người cao tuổi nhất trong làng cũng bảo: "Có điều kiện thì dùng tiền làm những việc có ích khác, xây mộ to để khoe của à?".
Bạn ông còn bảo, Hà Nội đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch nghĩa trang. Tới đây, xã nào cũng phải có nghĩa trang nhân dân theo tiêu chí mới; có diện tích phù hợp, có quy định khu hung táng, cát táng… Những ngôi mộ cũ từ trước tới nay cũng sẽ được quy tập về một mối để tiện cho việc chăm sóc và quản lý. Nghe đến đó, ông Tít nhẹ cả người. Thế thì chẳng mấy năm nữa, xã ông cũng có nghĩa trang nhân dân. Mộ của cụ Tổ nhà ông và của các cụ trong làng sẽ được đưa vào ngay hàng, thẳng lối.
So với nghĩa trang nông thôn của các quốc gia lân cận mà ông có dịp tham quan, nghĩa trang quê ông sẽ quy mô, hiện đại chẳng kém. Vui mừng vì những chuyển biến mới của làng quê, trước khi trở lại thành phố, ông Tít không quên dặn trưởng thôn: "Khi nào họp dân để triển khai xây dựng nghĩa trang, nhất định ông phải báo để tôi về tham gia đấy".